Đây có phải là một Geneva mới?
7 năm trước, nước Mỹ đã phát động một nỗ lực xử lý vấn đề mà các chính phủ trên khắp thế giới phải đối mặt. Đó là mỗi năm, các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách trốn thuế thu nhập ước đến 2.500 tỷ USD – một con số khổng lồ mà lẽ ra có thể được sử dụng để xóa đói giảm nghèo, nâng cấp cơ sở hạ tầng hay giảm thuế cho các công dân biết tôn trọng pháp luật (đóng thuế đầy đủ).
Tuy nhiên, bây giờ Mỹ đang trở thành một trong những nơi tốt nhất thế giới để cất giấu tiền khỏi các cơ quan thuế. Có một sự tương phản mà quốc gia này đang tạo ra.
Vào năm 2009, giữa lúc thâm hụt ngân sách đang tăng lên và một vụ bê bối gian lận thuế xảy ra ở ngân hàng Thụy Sỹ UBS AG, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã đi đến một thỏa thuận: không tha thứ cho các thiên đường thuế vốn là nơi “chứa chấp” các công ty và tài khoản bí mật nhằm trốn thuế.
Cách đây một năm, Mỹ đã thông qua đạo luật FATCA yêu cầu các định chế tài chính nước ngoài phải báo cáo danh tính và tài sản của những người đóng thuế tiềm năng cho Sở Thuế nội địa của nước này.
Do lo ngại việc bị mất cơ hội thâm nhập vào hệ thống tài chính của Mỹ, hơn 100 nước, bao gồm cả các thiên đường thuế lâu đời như Bermuda và quốc đảo Cayman, đã hoặc đang đồng ý tuân theo đạo luật này.
Mỹ được kỳ vọng sẽ đền đáp bằng cách chia sẻ dữ liệu về tài khoản của những người đóng thuế nước ngoài cho các chính phủ nói trên. Thế nhưng, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần từ chối đề xuất của chính quyền Obama về những thay đổi cần thiết trong luật thuế.
Kết quả là, Bộ Tài chính Mỹ không thể buộc các ngân hàng Mỹ tiết lộ thông tin như các bảng cân đối kế toán và tên các chủ thể có thu nhập.
Mỹ cũng đã thất bại trong việc thông qua cái gọi là “Tiêu chuẩn Báo cáo chung”, một hiệp ước toàn cầu đã được hơn 100 nước thông qua, theo đó các nước này sẽ tự động cung cấp lẫn nhau những dữ liệu thậm chí còn nhiều hơn cả yêu cầu của FATCA.
Trong khi phần còn lại của thế giới cung cấp những minh bạch mà Mỹ đòi hỏi, nước này lại đang nhanh chóng biến mình thành một Thụy Sỹ mới. Các định chế tài chính chuyên phục vụ giới giàu có toàn cầu, như Rothschild & Co. và Trident Trust Co, đã rút tài khoản khỏi các đảo thiên đường để chuyển tới Nevada, Wyoming và South Dakota.
Giới luật sư tại New York trên thực tế cũng đang quảng cáo cho Mỹ như là một nơi cất giữ tài sản tuyệt vời. Chẳng hạn, một tỷ phú người Nga có thể tậu các bất động sản tại Mỹ và yên chí rằng sẽ không có cơ quan thuế nào của Mỹ hay của chính phủ quê hương ông ta biết được bất cứ điều gì về những tài sản đó.
Đó là một sự bảo đảm mà ngay cả quốc đảo thiên đường thuế nổi tiếng Vanuatu cũng không thể cung cấp được.
Ở một góc độ nào đó, tất cả những điều này có vẻ như là rất thông minh: Đóng cửa các thiên đường thuế nước ngoài và sau đó đánh cắp nghề của họ. Đó có thể là cách nghĩ đang làm xói mòn chỗ đứng của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại cho đến biến đổi khí hậu.
Thay vì sử dụng sức mạnh của mình để thiết lập một hệ thống công bằng, hợp lý cho nền quản trị toàn cầu, Mỹ lại đang đòi hỏi một tiêu chuẩn từ phần còn lại của thế giới trong khi chính mình từ chối áp dụng. Đó không phải là cách làm của kẻ lãnh đạo.
Nguồn: theleader
© 2024 | Thời báo ĐỨC