Mỹ – Triều: Vì sao từ đe dọa đánh phủ đầu sang mời đàm phán vô điều kiện?

Một số nhà phân tích lại nhìn nhận, những phát biểu này không có gì mới trong cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” mà không riêng chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà cả những chính quyền tiền nhiệm vẫn luôn cho thấy trong vấn đề Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 12/12 tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Giới chuyên gia ngay lập tức đặt câu hỏi, phải chăng tuyên bố này báo hiệu một sự thay đổi lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn luôn cho rằng đàm phán chỉ có thể một khi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn thành?

Và phải chăng, điều này sẽ góp phần chấm dứt những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn luôn trong tình trạng “quá nóng” trong những tháng vừa qua.

Mỹ – Triều: Vì sao từ đe dọa đánh phủ đầu sang mời đàm phán vô điều kiện? - 0

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AP.

Phát biểu về vấn đề Triều Tiên tại cơ quan nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

Theo ông Tillerson, sẽ là không thực tế khi cứ khăng khăng cho rằng, Mỹ sẽ chỉ thảo luận với Triều Tiên một khi nước này chấp nhận đến bàn phán sau khi đã sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Vì thế, Mỹ sẵn sàng thảo luận một khi Triều Tiên muốn và Mỹ cũng sẵn sàng tiến hành cuộc gặp đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết nào.

Về mặt ngoại giao, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với Triều Tiên vào bất cứ thời điểm nào nếu nước này muốn và chúng tôi cũng sẵn sàng tiến hành cuộc gặp đầu tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào. Chúng ta có thể nói chuyện về thời tiết nếu muốn miễn là các bên đồng ý đối diện với nhau. Bởi có như thế chúng ta mới thể thảo luận về một lộ trình”, ông Tillerson nói.

Đây là động thái dường như thay đổi hoàn toàn lập trường của Washington, vốn luôn yêu cầu Triều Tiên trước hết phải chấp nhận rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào sẽ phải dựa trên việc giải giáp hạt nhân.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nhìn nhận, những phát biểu này không có gì mới trong cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” mà không riêng chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà cả những chính quyền tiền nhiệm vẫn luôn cho thấy trong vấn đề Triều Tiên.

Bởi không khó nhận ra, bản thân Ngoại trưởng Mỹ Tillerson dù tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, song mặt khác vẫn cho thấy tính nước đôi trong lập trường của Mỹ khi không quên khẳng định lại lập trường lâu dài của nước này là “không dung thứ” cho một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Và Mỹ sẵn sàng thảo luận, nhưng Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán với tâm thế sẵn sàng lựa chọn thay đổi.

“Chúng ta cần Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận vào bất cứ khi nào họ sẵn sằng, Song Triều Tiên phải trở lại bàn đàm phán với tâm thế sẵn sàng lựa chọn thay đổi. Trong lúc này, sự sẵn sàng của chúng tôi về mặt quân sự cũng rất mạnh mẽ.

Tôi đã nói nhiều lần rằng, tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống. Tôi vẫn tin tưởng rằng chúng ta sẽ thành công. Song tôi cũng tin rằng, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng sẽ thành công nếu như ông ấy buộc phải kết thúc vấn đề”, ông Tillerson nói.

Cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ thể hiện một lập trường cởi mở hơn trong cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, Ngoại trưởng Tillerson cũng từng công khai nhắc tới sự tồn tại của các kênh liên lạc nhằm thăm dò ý định của Nhà lãnh đạo Triều Tiên về khả năng các cuộc đối thoại trong tương lai, điều mà Tổng thống Donald Trump bác bỏ ngay sau đó khi khẳng định, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không nên lãng phí thời gian cho đàm phán.

Hơn nữa, với việc ảnh hưởng trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã bị suy giảm thời gian gần đây, thì sức nặng của những tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bằng chứng là ngay sau phát biểu của ông Tillerson, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục khẳng định tham vọng trở thành một “cường quốc hạt nhân và quân sự mạnh nhất trên thế giới”.

Dẫu vậy, theo Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề chính trị Jeffrey Feltman, người vừa có chuyến thăm Triều Tiên mới đây, đối thoại không phải là điều không thể vào thời điểm hiện nay. Bởi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên dù có lớn đến mức nào cũng không thể khiến nước này bỏ qua tầm quan trọng của những nỗ lực nhằm tránh một cuộc chiến tranh với Mỹ.

Ông Feltman đã có cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để báo cáo kết quả chuyến thăm Triều Tiên hồi tuần trước. Và dư luận vẫn tiếp tục hi vọng, một sự cởi mở trong cách tiếp cận của mỗi bên sẽ giúp tháo ngòi nổ cho những căng thẳng hiện nay./.

Theo: soha.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày