Một người nông dân Nhật Bản đang cấy lúa ở tỉnh Ibaraki - Ảnh: REUTERS
Cơ quan khí tượng Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 tại Nhật Bản cao hơn 1,76 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1991 - 2000. Đây cũng là mùa hè nóng nhất tại Nhật Bản kể từ năm 1898.
Thời tiết nắng nóng cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của các loại cây trồng, trang tin Japan Forward đưa tin hôm 15-9.
Thách thức chưa từng có
Các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn đe dọa mùa màng hay thậm chí gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, buộc người nông dân phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Một chủ trang trại ở thành phố Yaizu chia sẻ sản lượng cà tím giảm 30 - 50% so với mọi năm. Cà tím cần rất nhiều nước để phát triển nhưng mùa hè năm nay lại thiếu mưa, cộng thêm nhiệt độ tăng cao, khiến hầu hết rau củ trở nên khô cứng và không thể bán ra thị trường.
Không chỉ các chủ trang trại bị ảnh hưởng, đại diện một chuỗi siêu thị ở thành phố Shizuoka thừa nhận điều kiện tăng trưởng kém cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá bán lẻ. Người này cho hay: "Các loại rau củ quả như cà tím, ớt chuông, dưa chuột trở nên khan hiếm, khiến giá cả tăng lên rất nhiều".
Ngoài rau củ quả, các trại chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao đang gây áp lực lên các hộ nuôi bò lấy sữa tại tỉnh Chiba - một trong những vùng sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản.
Theo dữ liệu từ Liên đoàn Hợp tác xã sữa tỉnh Chiba vào tháng 6-2024, sản lượng sữa trung bình hằng ngày trên toàn tỉnh là 521 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống 467 tấn vào tháng 7 và tiếp tục giảm còn 434 tấn vào tháng 8.
Ngành nuôi trồng thủy sản cũng không khá khẩm hơn khi một số ngư dân tại tỉnh Kochi - vùng nuôi cá cam và cá tráp đỏ nổi tiếng của Nhật Bản - ghi nhận hiện tượng cá cam chết hàng loạt do nhiệt độ nước biển tăng cao hơn mức bình thường.
Báo động thiếu gạo vì nắng nóng
Nguy cơ mất an ninh lương thực của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quốc gia này vừa đối mặt với vấn đề thiếu gạo nghiêm trọng, loại thực phẩm được xem là nền tảng an ninh lương thực tại xứ sở mặt trời mọc.
Tình trạng thiếu gạo tại Nhật Bản bắt đầu từ mùa xuân năm 2024. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, lượng gạo dự trữ tại các cơ sở tư nhân đạt khoảng 1,56 triệu tấn vào tháng 6, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực tại Nhật Bản đến từ tác động của sự nóng lên toàn cầu. Có thể nói biến đổi khí hậu ảnh hưởng đáng kể đến nền nông nghiệp Nhật Bản. Theo đó, nhiệt độ tăng cao khiến việc thu hoạch bị chậm trễ, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa.
Năm 2023, tỉnh Niigata - vùng sản xuất lúa gạo nổi tiếng tại Nhật Bản - ghi nhận sản lượng gạo Koshihikari hảo hạng giảm xuống chỉ còn 5% tổng sản lượng gạo của vùng này. Đây là một cú sốc đối với tỉnh Niigata, khu vực có tỉ lệ gạo Koshihikari thường dao động trên 80%.
Theo tạp chí Nikkei Asia, gạo là một trong số ít mặt hàng lương thực chủ lực của nông dân Nhật Bản, với tỉ lệ tự cung tự cấp lên đến 100%. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến các biện pháp bảo vệ mùa màng trước các yếu tố ngoại cảnh, đồng thời đã ban hành những biện pháp ngăn chặn tác động tiêu cực trong ngắn hạn.
Một quan chức của thành phố Agano cho hay nhiệt độ quá cao và lượng mưa thấp đã gây ra hiện tượng hạt gạo phấn hoặc gạo dễ vỡ. Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản, đồng thời cũng năm mà quốc gia này ghi nhận sản lượng gạo chất lượng cao thấp kỷ lục. Chính điều này đã khiến nhiều người lo ngại mùa hè nóng bức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng và chất lượng gạo.
Giống như những quân cờ domino, chất lượng gạo giảm có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy sau đó. Theo ông Yuji Masutom, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật Bản, chất lượng gạo giảm từ loại 1 xuống loại 2 có thể khiến nông dân mất gần 10% thu nhập. Ông nhấn mạnh hệ quả này là một "đòn giáng mạnh" vào người nông dân.
Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý và nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản đã nhanh chóng tìm hiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với cây lúa nói riêng và an ninh lương thực của Nhật Bản nói chung. Giới chức Nhật Bản cho rằng chỉ biến đổi khí hậu thì rất khó để gây ra tình trạng thiếu hụt gạo trên diện rộng, song nắng nóng cực đoan có thể làm giảm chất lượng gạo, theo Japan Times.
Các chuyên gia cho rằng chìa khóa để giảm thiểu những thiệt hại từ biến đổi khí hậu đến từ việc lựa chọn các giống lúa có khả năng chịu nhiệt. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, các giống lúa chịu nhiệt hiện nay chỉ chiếm khoảng 13% - 15%. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng tỉ lệ giống lúa chịu nhiệt lên 18% vào năm 2026.
Nhiều nước chung nỗi lo an ninh lương thực
Không chỉ riêng Nhật Bản, các quốc gia trên thế giới cũng chật vật trước tình trạng mất an ninh lương thực. Nhiều khu vực tại châu Âu ghi nhận giá thực phẩm cao đột biến trong giai đoạn 2022 - 2024 do tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, sản lượng dầu ô liu tại Ý và Hy Lạp cũng giảm đáng kể trong những năm gần đây, gây ra tình trạng thiếu hụt dầu ô liu trên toàn cầu. Tương tự như Nhật Bản, sản lượng lúa tại Trung Quốc giảm 3% từ năm 2018 đến năm 2023 do nắng nóng cực đoan.
KHÁNH QUỲNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC