Máy bay bị sét đánh kinh hoàng ở Hà Lan

Một máy bay chở khách bay từ Hà Lan đi Peru đã bị sét đánh ngay sau khi cất cánh, rất may không có ai bị thương.

Di chuyển trong lúc thời tiết xấu luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm tiềm ẩn, đặc biệt là khi bạn ngồi trên một chiếc Boeing 777 đang chuẩn bị bay vào một đám mây tích điện.

Theo Đài Russia Today của Nga ngày 14-11, hình ảnh chiếc máy bay của Hãng KLM bị sét đánh trúng đã được lan truyền nhanh trên mạng trong mấy ngày gần đây.

Chiếc Boeing của Hãng KLM vừa cất cánh từ sân bay Schiphol (Amsterdam, Hà Lan) đã bay vào một đám mây tích điện và bị sét đánh ngay mũi.

Máy bay bị sét đánh kinh hoàng ở Hà Lan - 0

Chiếc máy bay của Hãng KLM bị sét đánh sau khi cất cánh - Ảnh chụp màn hình

Điều may mắn là chiếc Boeing 777-300ER không hề hấn gì sau khi bị sét đánh, tiếp tục lấy độ cao và hạ cánh an toàn xuống sân bay Lima của Pery 12 tiếng rưỡi sau đó.

Hãng KLM xác nhận máy bay của họ đã bị sét đánh song không có vấn đề gì nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao máy bay và hành khách không hề hấn gì sau sự cố trên? Thậm chí ngay cả khi đậu trên sân bay vẫn có chiếc bị sét đánh.

Máy bay thường bị sét đánh ở một số điểm như mũi và đầu cánh. Và bởi vì không có bất kỳ khe hở nào trên thân máy bay nên sau khi bị sét đánh trúng, dòng điện sẽ tiếp tục di chuyển trên bề mặt vỏ nhôm bên ngoài và thoát ra môi trường qua điểm nhọn ở đuôi máy bay.

Ở thời điểm hiện tại, việc máy bay bị sét đánh trúng, dù không phải hiếm, nhưng rất ít khi xảy ra và chỉ đếm trên đầu ngón tay số vụ mỗi năm trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, vẫn có một số trường hợp các phi công ngồi than phiền rằng hệ thống điện và một số thiết bị trên máy bay bị nhiễu sóng sau khi bị sét đánh.

Trên thực tế, việc máy bay bị rơi sau khi sét đánh trúng là sự thật, không phải đồn thổi. Lịch sử ngành hàng không ghi nhận một trường hợp vào năm 1967 ở Mỹ và gần đây nhất là vụ máy bay Colombia rơi năm 2010.

Nguyên nhân được cho là do sét đã đánh trúng bình nhiên liệu của máy bay khiến nó phát nổ và gây ra thảm kịch.

Vỏ của các máy bay hiện đại ngày nay như dòng Dreamliner của Boeing và các thế hệ mới của Airbus được làm phần lớn từ vật liệu composite tráng một lớp đồng để bảo vệ khoang bên trong khỏi các dòng điện do sét đánh. Bình nhiên liệu cũng được bọc kim loại, cửa sổ và cửa lên xuống máy bay được làm bằng kim loại có thể chịu được nhiệt độ nóng chảy lên tới 27.000 độ C.

Theo Bảo Duy / tuoitre.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày