Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Luxembourg được đánh giá là nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới với thu nhập quốc dân trên đầu người ước tính đạt 110.573 USD vào năm 2013 và nợ quốc gia của Luxembourg được đánh giá tín nhiệm ở mức AAA.

Luxembourg là một đất nước nhỏ bé nằm ở Tây Âu, giáp với Pháp, Đức và Bỉ, tên đầy đủ của quốc gia này là Đại Công quốc Luxembourg với chế độ chính trị là quân chủ lập hiến.

Luxembourg có diện tích 2.586 km vuông, dân số chưa đến 500.000 người, chủ yếu là theo đạo Thiên Chúa giáo.

Luxembourg có tổng sản lượng quốc nội (GDP) trên đầu người cao nhất châu Âu, và so sánh với các nước khác trên thế giới thì cũng thuộc hàng cao nhất thế giới, đạt 110.573 USD/đầu người, gấp 54,5 lần GDP/đầu người của Việt Nam, trong đó ngành công nghiệp và ngành tài chính được coi là trụ cột của nền kinh tế.

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 0

Bên cạnh đó, quốc gia này có tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát thấp, chính sách thuế rất ưu đãi và chất lượng sống được xếp vào hàng cao nhất thế giới.

Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Luxembourg, ngôn ngữ hành chính là tiếng Pháp, Đức, bên cạnh các loại ngôn ngữ này, tiếng Anh được dùng rất thông dụng.

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 1

Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến đa đảng, người đứng đầu nền quân chủ này không được gọi là vua mà gọi là Đại Công Tước, được kế tục theo cha truyền con nối. Chính phủ điều hành đất nước gồm có Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, họ được bầu cử công khai và được Đại Công Tước phê duyệt. Luxembourg có cơ quan tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp.

Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối Cộng đồng chung châu Âu với mức độ phồn thịnh về kinh tế cao.

Các ngành kinh tế như thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hoá chất cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm được đánh giá là thế mạnh của Luxembourg, trong đó ngành tài chính ngân hàng hiện đóng góp 28% GDP. Ước tính tại Luxembourg có hơn 150 ngân hàng đang hoạt động với số nhân viên trên 27.000 người.

Chính phủ của quốc gia này được đánh giá là đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp viễn thông, công nghiệp nhẹ và các ngành công nghệ cao.

Điểm lại lịch sử phát triển của đất nước Luxembourg, một số chính sách quan trọng đã mang lại những bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế, cụ thể là:

Từ bỏ chính sách trung lập

Luxembourg bị Tây Ban Nha, Pháp, Áo xâm chiếm và thống trị trong suốt thế kỷ 16, 17 và 18. Đến năm 1815, Luxembourg được công nhận là một quốc gia độc lập.

Vào năm 1867, Luxembourg tuyên bố là quốc gia trung lập vĩnh viễn.  Tuy nhiên ngay sau đó, đất nước này lại bị Đức xâm lược trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Luxembourg đã quyết định từ bỏ chính sách trung lập vĩnh viễn và từ năm 1945 Luxembourg đã trở thành một trong những thành viên sáng lập ra Liên hợp quốc để xây dựng lại đất nước thông qua việc mở rộng quan hệ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc khu vực châu Âu.

Luxembourg đề xuất thành lập Cộng đồng than thép châu Âu vào năm 1951, tại thời điểm đó công nghiệp sản xuất thép chiếm trên 75% sản lượng sản xuất công nghiệp của đất nước này.

Năm 1957, Luxembourg trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế châu Âu, là một trong những nước đi đầu trong việc sử dụng đồng euro.

Việc đưa ra được những chính sách đúng đắn là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của đất nước này. Trong suốt nhiều năm nay mức tăng trưởng kinh tế của Luxembourg luôn ở vị trí cao nhất châu Âu  (từ 4% năm trở lên) ngay cả trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 2

Luxembourg gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 1999

Chính sách giáo dục

Chính phủ Luxembourg rất chú trọng đầu tư vào giáo dục. Tất cả các chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học đều được nghiên cứu kỹ càng, phù hợp với độ tuổi. Ngay sau khi học xong sáu năm tiểu học, các học sinh đã có định hướng rõ ràng để tự quyết định lựa chọn theo khả năng của mình hoặc tiếp tục theo học trung học phổ thông để vào đại học hoặc theo học tại các trường đào tạo nghề.

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 3

Người dân Luxembourg rất tự tin và dễ dàng hòa nhập vào đời sống kinh tế quốc tế bởi họ đã được hưởng một nền giáo dục cơ bản rất toàn diện, trong đó có vấn đề ngôn ngữ. Người dân ở đây có thể sử dụng ba thứ tiếng ngoài tiếng mẹ đẻ, bao gồm tiếng Đức, tiếng Pháp, và tiếng Anh. Tiếng Anh được giảng dạy như một ngoại ngữ bắt buộc trong nhiều năm tại trường học và hầu như không có quan chức nào lại không có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong công việc giao tiếp.

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 4

Một điều đặc biệt trong hệ thống giáo dục của quốc gia này là cả nước chỉ có một trường đại học nhưng lại có rất nhiều trung tâm đào tạo nâng cao, các trường cao đẳng kỹ thuật và hướng nghiệp, trường dạy nghề về du lịch và khách sạn. Luxembourg cũng tiến hành chiến dịch thông tin đến người dân để họ hiểu và ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành đầu năm 2003, đại đa số người dân Luxembourg đều ủng hộ chính sách của Chính phủ.

Thực hiện nhiều chương trình viện trợ cho các nước kém phát triển 

Luxembourg là một trong ba nước có chính sách hỗ trợ phát triển lớn nhất trên thế giới nếu tính theo tỷ lệ đóng góp trên thu nhập quốc dân. Mục tiêu của các chương trình viện trợ của Luxembourg là xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm cho sự phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm. Vào năm 2005, Luxembourg được chỉ định làm Chủ tịch Liên minh châu Âu, Luxembourg đã thực hiện rất tốt vai trò Chủ tịch trong các cuộc đàm phán và thông qua văn bản Tuyên bố Paris về hiệu quả viện trợ hợp tác phát triển, hài hòa hóa thủ tục và cùng chịu trách nhiệm. Văn bản này được coi như kim chỉ nam cho các hoạt động hợp tác phát triển trên thế giới.

Vào năm 1998, tổng giá trị ODA của Luxembourg là 117,5 triệu USD, tương đương 0,61%GNP và 2,25% ngân sách quốc gia, vào năm 1999 là 129 triệu USD. Theo báo cáo ngày 23/4/2008 của Bộ trưởng Hợp tác Phát triển của Luxembourg trước Quốc hội về chính sách viện trợ phát triển, Luxembourg là một trong 5 nước công nghiệp phát triển dành 0,7% thu nhập quốc dân cho viện trợ phát triển vào năm 2005, dành 0,9% thu nhập quốc dân cho viện trợ vào năm 2007 và con số này ở mức 0.91% vào năm 2008. Theo công bố của chính phủ Luxembourg, các chương trình viện trợ hiện nay của đất nước này là nhằm vào những mục tiêu mang tính chất xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo… Hiện nay, Luxembourg ưu tiên viện trợ cho 10 nước trong đó có 6 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara (Burkina Faso, Cabo Verde, Mali, Namibia, Niger và Sénégal), 2 nước châu Mỹ Latinh bao gồm Nicaragua và El Salvador, 2 nước châu Á là Lào và Việt Nam.

Đối với Việt Nam, các dự án viện trợ của Luxembourg tập trung nhiều vào các tỉnh như Bắc Cạn, Cao Bằng và Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Trong thời gian từ năm 2002 đến 2005, Luxembourg đã viện trợ cho Việt Nam 35 triệu euro, từ 2006 đến 2010, Luxembourg đã viện trợ 50 triệu euro theo chương trình ODA. Các khoản viện trợ này tập trung vào lĩnh vực giảm nghèo, phát triển bền vững ở nông thôn, phát triển nguồn nhân lực và một số lĩnh vực khác như đào tạo cán bộ cho ngành ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh các dự án song phương, Chính phủ Luxembourg còn tham gia vào rất nhiều dự án trong khuôn khổ đa phương với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, UNICEF, UNDP trong các dự án hỗ trợ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng.

Cách làm việc của bộ máy hành chính

Là một đất nước với dân số ít, số lượng người nước ngoài làm việc ở đây khá đông nhờ chính sách thu hút đầu tư của quốc gia này. Chính phủ đã xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, các viên chức trong các cơ quan hành chính của Luxembourg phải đảm đương nhiều vị trí công việc cùng một lúc. Họ có phong cách làm việc nhanh nhẹn và quyết định rất nhanh chóng với cách làm việc khoa học, đơn giản, ít coi trọng hình thức và luôn luôn giữ lời hứa. Nền hành chính ở đây được đánh giá là trong sạch, không vụ lợi,  được thực thi bởi các quan chức được giáo dục từ khi còn ngồi  trong ghế nhà trường theo tinh thần lấy hiệu quả công việc làm mục tiêu.

Với những yếu tố trên, nền kinh tế Luxembourg đã phát triển mạnh mẽ, chỉ với dân số vỏn vẹn gần 500.000 người nhưng đã mang lại tổng sản phẩm quốc gia lên tới hơn 55 tỷ đô la mỹ trong năm 2013. Người dân Luxembourg hài lòng với môi trường và điều kiện sống ở đây. Đất nước này đã được một số tổ chức quốc tế xếp hạng là một trong những nước giàu có và hạnh phúc trong top 10 đất nước hàng đầu trên toàn thế giới.

Một số hình ảnh về đất nước thanh bình này:

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 5

Luxembourg Ardennes

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 6

Lâu đài Beaufort

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 7

Thành phố Luxembourg

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 8

Lâu đài Bourscheid

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 9

Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Quốc gia

 

 

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 10

Vianden

Luxembourg có nền kinh tế khỏe mạnh nhất thế giới - 11

Thành phố Luxembourg

Nguồn: Daikynguyenvn.com


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày