Liệu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên có xảy ra trong năm 2018?

Với mối quan hệ căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ khi kết thúc năm 2017, viễn cảnh chiến tranh trong năm 2018 trở nên rõ ràng hơn, tờ Newsweek nhận định hôm 26/12.

Liệu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên có xảy ra trong năm 2018? - 0

Hôm Chủ nhật (24/12) Triều Tiên đã gọi vòng trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc (LHQ) nhất trí thông qua hôm 22/12, là “hành động chiến tranh”.

Trích dẫn tuyên bố của Bộ ngoại giao Triều Tiên, Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ: “Chúng tôi xác định ‘nghị quyết trừng phạt’ này, do Mỹ và các nước theo gót đưa ra, là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền của nước cộng hòa chúng tôi, là một hành động chiến tranh, vi phạm hoà bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên và khu vực, và [chúng tôi] thẳng thừng bác bỏ”.

Bộ ngoại giao Triều Tiên cho rằng các lệnh trừng phạt, được Mỹ soạn thảo, cấm gần 90% lượng xuất khẩu xăng dầu vào đất nước này, cho thấy Mỹ đã lo sợ về sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, và trở nên “điên cuồng hơn trong các động thái, áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất từ trước đến nay và áp lực lên đất nước chúng tôi”.

Liệu chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên có xảy ra trong năm 2018? - 1

Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ, cảnh báo nếu Triều Tiên tiếp tục thách thức, họ sẽ bị thêm hình phạt và cô lập hơn nữa. (Ảnh: Getty)

Sau khi nghị quyết của LHQ được biểu quyết thông qua với số phiếu tuyệt đối 15/15,  bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ, cho rằng nghị quyết của LHQ đã “gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng rằng việc tiếp tục thách thức sẽ đem lại hình phạt và sự cô lập hơn nữa”.

Quan điểm cứng rắn của bà Haley đối với Triều Tiên là phù hợp với những lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Vào tháng 8/2017, ông Trump nói rằng điều tốt nhất hiện nay là Triều Tiên không nên tạo ra thêm bất kỳ mối đe dọa nào tới Mỹ, nếu không “họ sẽ phải đối mặt với lửa và giận dữ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến”.

Các biện pháp trừng phạt LHQ thông qua cũng bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng hoá của Triều Tiên như máy móc, và yêu cầu tất cả công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải quay trở về nước trong vòng 24 tháng.

Mặc dù LHQ đã bỏ phiếu nhất trí thông qua, Đại sứ Nga vẫn phàn nàn rằng Mỹ đang tập trung vào các biện pháp trừng phạt hơn là đàm phán hòa bình. Đại sứ từ Trung Quốc, một đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, và tham gia đàm phán nghị quyết, đã cảnh báo chống lại “sự đối đầu và thái độ cứng rắn”,  theo Đài phát thanh NPR (Mỹ).

Trong khi đó, trái ngược với Trung Quốc và Nga, đại sứ Pháp François Delattre lại cho rằng “sự cứng rắn tối đa hiện nay là ‘thuốc giải độc’ tốt nhất của chúng ta đối với nguy cơ chiến tranh”.

Là quan chức đi đầu trong việc kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới hồi đầu tháng này rằng Mỹ sẽ tìm kiếm ngoại giao với Triều Tiên “cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống”.

Tuy nhiên, việc Triều Tiên tuyên bố vẫn tiếp tục phát triển chương trình đầu đạn hạt nhân và tên lửa của họ, cho thấy Bình Nhưỡng mong muốn chuẩn bị cho một chiến tranh trong năm 2018, tờ Newsweek kết luận.

Phạm Duy


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày