Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Getty).
"Các đồng minh có quyền quyết định những điều kiện nào họ sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đó không phải là quyết định của NATO, mà là quyết định của từng đồng minh. Nhưng tôi đã nói rằng, đã đến lúc phải xem xét liệu việc dỡ bỏ một số hạn chế về sử dụng vũ khí có phải là hành động đúng đắn không", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại phiên họp của NATO hôm 27/5.
"Hiện tại chúng ta thấy rằng, tình hình ở khu vực tiền tuyến và đường biên giới ít nhiều giống nhau, đặc biệt ở vùng Kharkov. Tất nhiên, nếu Kiev không thể tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, điều đó sẽ trói một tay của Ukraine và khiến họ rất khó phòng thủ", ông Stoltenberg cho biết.
Theo tổng thư ký NATO, Ukraine đang "bị tấn công từ lãnh thổ Nga bằng tên lửa, không kích, pháo kích và họ khó đáp trả vì những hạn chế đối với một số loại vũ khí mà họ có thể sử dụng". Ông nhấn mạnh hành động của Kiev là "tự vệ".
"Một số đồng minh đã dỡ bỏ các hạn chế, cho phép Ukraine tự vệ tốt hơn và tôi nghĩ đã đến lúc cân nhắc việc dỡ bỏ các hạn chế khác để giúp họ tự vệ trong giới hạn của luật pháp quốc tế", người đứng đầu NATO nói, đồng thời cho biết 99% vũ khí được các nước NATO cung cấp cho Kiev.
Tổng thư ký NATO tuần trước tuyên bố "đã đến lúc" các thành viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu nên xem xét lại chính sách của họ và cho phép Ukraine tự do sử dụng vũ khí phương Tây để tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Các đồng minh của Ukraine đang thảo luận về lời kêu gọi của Kiev nhằm "bật đèn xanh" cho việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Nghị sĩ Anton Hofreiter thuộc Đảng Xanh của Đức gần đây đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng này nhằm bảo vệ dân thường Ukraine.
Nghị sĩ quốc hội Ukraine Yehor Cherniev cho biết Mỹ đã bắt đầu thảo luận về quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Washington nhằm tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Mỹ và các đồng minh khẳng định họ buộc Ukraine phải cam kết chỉ dùng vũ khí viện trợ của phương Tây bên trong lãnh thổ. Tuy nhiên, gần đây, Anh đã trở thành thành viên NATO đầu tiên tuyên bố không phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để nhắm vào lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần trước phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng, Washington sẵn sàng thảo luận với Kiev về khả năng sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông phản đối Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào lãnh thổ Nga.
Ông Scholz nói rằng Đức đã đưa ra các quy định rõ ràng cho Ukraine về việc cấm sử dụng vũ khí của Đức trên lãnh thổ Nga và ông thấy không có lý do gì để thay đổi điều này. Thủ tướng Đức nói thêm rằng chính sách của ông là ngăn chặn xung đột leo thang thành một "cuộc chiến quy mô lớn".
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cùng các quan chức nước này đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Tổng thư ký NATO về việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây, cảnh báo không nên leo thang căng thẳng với Moscow.
© 2024 | Thời báo ĐỨC