Các tiếp viên hàng không đi bộ cạnh biểu ngữ “Chào mừng đến Schengen!” bằng tiếng Romania tại sân bay quốc tế Henri Coandă hôm 31-3, ngay sau khi Romania chính thức gia nhập một phần khu vực Schengen - Ảnh: AFP
Khu vực tự do đi lại Schengen bao gồm 23 thành viên EU cùng 4 quốc gia không thuộc EU là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Với sự tham gia một phần của Romania và Bulgaria vào ngày 31-3, số thành viên của khu vực hiện là 29 quốc gia.
Đây là một thành công lớn cho cả hai nước và là một khoảnh khắc lịch sử đối với khu vực Schengen - khu vực di chuyển tự do lớn nhất trên thế giới.Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu ngày 30-3.
Mở cảng biển và sân bay
Kể từ ngày 31-3, các biện pháp kiểm soát biên giới bằng đường biển và đường hàng không giữa Romania và Bulgaria với những nước trong khối Schengen được dỡ bỏ. Nhưng việc kiểm soát biên giới trên đất liền - tuyến vận chuyển chính hàng hóa của hai nước này - vẫn được giữ nguyên.
Việc gia nhập Schengen là một trong những điều cốt lõi của một nước có tư cách là thành viên EU. Cả Romania và Bulgaria đã theo đuổi quyền lợi này kể từ khi hai quốc gia trở thành thành viên của khối này vào năm 2007.
Theo nhà phân tích chính sách đối ngoại Stefan Popescu, việc được nhận vào Schengen là một "cột mốc quan trọng" đối với Bulgaria và Romania, là biểu tượng cho phẩm giá của các quốc gia thuộc EU. "Bất kỳ người Romania nào phải đi bằng một làn tách biệt so với công dân EU khác đều cảm thấy bị đối xử khác biệt", ông Popescu nói với Hãng tin AFP.
Croatia gia nhập vào EU sáu năm sau Romania và Bulgaria, nhưng nước này đã trở thành thành viên đầy đủ của khu vực Schengen vào tháng 1-2022, một quyết định khiến Sofia và Bucharest không hài lòng.
Chính phủ Romania cho biết các quy định của Schengen sẽ áp dụng cho 4 cảng biển và 17 sân bay tại nước này. Trong đó, sân bay Otopeni gần thủ đô Bucharest sẽ có vai trò là trung tâm lớn nhất cho các chuyến bay Schengen.
Cũng theo Romania, thêm nhiều nhân sự, bao gồm cảnh sát biên phòng và quan chức di trú, sẽ được điều động đến các sân bay nhằm "hỗ trợ các hành khách và phát hiện những trường hợp muốn rời khỏi Romania một cách bất hợp pháp".
Việc kiểm tra ngẫu nhiên cũng sẽ được thực hiện nhằm phát hiện những người có giấy tờ giả và ngăn nạn buôn người.
Do sự phủ quyết của Áo, Bulgaria và Romania hiện chỉ mới gia nhập một phần vào khối Schengen. Vienna phản đối việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm tra ở biên giới đường bộ ở Bulgaria và Romania, viện lý do lo ngại làn sóng nhập cư gia tăng bất thường.
Bên cạnh đó, Vienna cũng yêu cầu Romania và Bulgaria kiểm soát tốt hơn biên giới trên đất liền, và tiếp nhận những người nhập cư từ Afghanistan và Syria sau khi họ đến các nước Balkan. Đáp lại, Sofia và Bucharest nói họ không phải "cửa vào" chính của dòng người nhập cư.
Khu vực Schengen sau khi Romania và Bulgaria gia nhập một phần từ ngày 31-3-2024 - Nguồn: AFP - Việt hóa: NGHI VŨ
Thiệt hại khi nằm ngoài Schengen
Bất chấp phản đối của Áo, cả hai nước đều hy vọng sẽ hội nhập hoàn toàn vào khu vực Schengen vào cuối năm nay.
"Không còn nghi ngờ gì, quá trình này là không thể đảo ngược", Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu nhấn mạnh tháng này. Ông Predoiu khẳng định việc gia nhập Schengen của Romania "phải được hoàn tất trong năm 2024, mở rộng đến cả biên giới trên đất liền".
Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Assen Vassilev cho biết việc nằm ngoài khu vực Schengen khiến Bulgaria thiệt hại khoảng 2-5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Romania cũng thiệt hại một khoản tương tự.
Đối với các doanh nghiệp Bulgaria, việc được dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát qua đường biển và đường hàng không không mang lại nhiều ý nghĩa.
Chủ tịch Hiệp hội vốn công nghiệp Bulgaria (BICA) Vasil Velev nói: "Chỉ 3% hàng hóa Bulgaria được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển, 97% còn lại đi bằng đường bộ". "Vì vậy, chúng tôi mới chỉ được 3% trong khu vực Schengen, không biết khi nào sẽ được 97% còn lại", ông Velev nói thêm.
Trong khi đó, vào đầu tháng 3, công đoàn vận tải UNTRR của Romania kêu gọi những "biện pháp khẩn cấp" để nước này có thể tham gia hoàn toàn vào Schengen, trong bối cảnh nhiều tổn thất tài chính là hậu quả của việc hàng hóa phải xếp hàng chờ đợi ở biên giới. "Các hãng vận tải Romania mất hàng tỉ euro mỗi năm chỉ vì phải chờ đợi quá lâu ở biên giới", Tổng thư ký Radu Dinescu của UNTRR nói.
Nhằm gia tăng áp lực, Romania đã dọa kiện Áo đòi vài tỉ euro, đe dọa dự án thăm dò dầu khí chung ở Biển Đen với Công ty năng lượng OMV (Áo) sẽ bị trì hoãn nếu vấn đề Schengen không được thúc đẩy.
Theo UNTRR, tài xế xe tải phải đợi từ 8 - 16 tiếng ở biên giới của Romania với Hungary, và chờ đợi từ 20 - 30 tiếng tại biên giới của Bulgaria. Ngành công nghiệp xe hơi tại Romania, bao gồm các doanh nghiệp như Renault và Ford, cùng hàng trăm nhà cung cấp phụ tùng khác, cho rằng việc Romania nằm ngoài khu vực Schengen khiến ngành này thiệt hại khoảng 65,1 triệu USD mỗi năm.
"Ngành công nghiệp của chúng tôi mất khoảng 180.000 euro (194.000 USD) mỗi ngày vì chi phí hậu cần tăng thêm. Điều này tác động đến chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của chúng tôi. Không quốc gia nào trong khu vực Schengen gặp phải vấn đề này", lãnh đạo Adrian Sandu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Romania bức xúc nói.
Quyền tự do đi lại trong Schengen
Trở thành một phần của khu vực Schengen, đồng nghĩa với việc các nước sẽ không tiến hành các biện pháp kiểm tra tại biên giới nội bộ quốc gia, ngoại trừ trường hợp cho thấy có mối đe dọa cụ thể. Tuy nhiên, các nước Schengen sẽ thực hiện việc kiểm soát tại biên giới chung bên ngoài dựa trên các quy tắc chung của Schengen.
Khu vực Schengen đảm bảo quyền tự do đi lại cho hơn 425 triệu công dân EU, cùng với những công dân không thuộc EU nhưng có mặt hợp pháp tại EU, bao gồm những người đang sinh sống ở EU hoặc đến thăm EU với tư cách là khách du lịch, sinh viên trao đổi hoặc vì mục đích kinh doanh.
NGHI VŨ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC