Trang tin Jewish Press ngày 17/9 cho biết hai doanh nghiệp Israel là SuperMeat và Future Meat Technologies hiện đang tiến hành sản xuất loại thịt “tổng hợp” được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để thay thế thịt động vật.
Hồi tháng 7, SuperMeat đã đạt được mục tiêu huy động 100.000 USD và đã tuyển được kỹ sư sinh học Yaakov Nahmias của Đại học Hebrew và Giáo sư Shulamit Levenberg từ Đại học Technion để phát triển một máy sản xuất thịt sử dụng tế bào động vật để tạo ra “thịt thật mà không cần giết mổ động vật.”
Trước đó, vào tháng 1/2015, Quỹ Nông nghiệp Hiện đại (MAF) của Israel đã tiến hành một dự án thịt gà sạch – một nghiên cứu khả thi giúp xác định chi phí, thời gian và nguồn lực để sản xuất thịt gà sạch thương mại và sẽ trở thành nền tảng cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân sau này.
Thực tế, thịt nhân tạo xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009 do các nhà khoa học Hà Lan tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ tế bào lợn. Công nghệ này được coi là hướng đi nhiều triển vọng giúp hạn chế giết mổ gia súc, gia cầm cũng như giảm ô nhiễm từ ngành chăn nuôi truyền thống.
Thoả thuận trên được ký kết khi Trung Quốc đang tìm cách giảm khí thải từ bò và các động vật khác, từ đó giảm phát thải khí nhà kính. Bò được coi là nguồn khí nhà kính nguy hiểm nhất hành tinh.
Một chuyên gia của Viện Thực phẩm Sạch (GFI) cho rằng, với thỏa thuận đạt được với Israel, Trung Quốc có khả năng sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này để mở ra một thị trường khổng lồ.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế, Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu thịt trong năm 2016. Điều đó có thể khiến công nghệ sản xuất thịt nhân tạo có tiềm năng phát triển mạnh tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Minh Tuệ
Daikynguyen.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC