Thành viên EU, Hungary, giải thích lý do nước này sẽ phản đối gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu áp lên Nga.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: Hungary News).
Cụ thể, các quan chức EU đã thảo luận về khả năng trừng phạt tới ngành khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và siết chặt các hành vi lách lệnh cấm vận trước đó.
Hungary lo ngại những hạn chế mới sẽ gây tổn hại đến lợi ích của chính nước này, cụ thể là trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra, nhà ngoại giao NATO cũng cam kết tiếp tục chặn gói viện trợ quân sự trị giá hơn 6,5 tỷ euro (7 tỷ USD) của EU cho Ukraine, bất chấp sự bất bình của các nhà ngoại giao khác trong khối.
"Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết của hòa bình, chấm dứt chiến sự và ngăn chặn sự leo thang của cuộc chiến, vì vậy chúng tôi chưa và sẽ không đồng ý với việc giải phóng thêm 6,5 tỷ euro nữa để tài trợ cho các chuyến hàng vũ khí đến Ukraine", ông nhấn mạnh.
Ông Szijjarto thừa nhận đã có "cuộc tranh cãi lớn" với một số đồng nghiệp của mình trong cuộc họp của các ngoại trưởng EU nhưng tuyên bố sẽ giữ vững lập trường của Hungary trong tương lai.
Ông tiết lộ: "Có các cuộc tranh luận lớn khi các đồng nghiệp người Đức, người Litva, người Ireland, người Ba Lan và các đồng nghiệp khác chỉ trích tôi về vấn đề này, nhưng điều đó không thể làm lung lay quan điểm của chúng tôi".
Hungary là quốc gia thành viên EU và NATO nhưng phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong hơn 2 năm chiến sự, Hungary giữ quan điểm tương đối trung lập với cả Nga và Ukraine và nhiều lần kêu gọi đàm phán.
Lập trường của Hungary khiến một số nước EU không hài lòng. Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis kêu gọi khối tìm cách "giải quyết" các quyền phủ quyết của Budapest.
Ông tuyên bố: "Chúng tôi đã xem xét vấn đề này và dường như Hungary đã chặn khoảng 41% nghị quyết của EU về Ukraine. Mọi thứ đã đi rất xa. Chúng ta phải tìm cách giải quyết điều này".
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cũng bày tỏ sự không hài lòng với Hungary, cho rằng khối này "phải hoàn toàn thực hiện trách nhiệm của mình và làm những gì cần thiết để giúp đỡ Ukraine về mặt quân sự".
© 2024 | Thời báo ĐỨC