Theo hãng tin Quartz (Mỹ), ngày 13-11, rốt cuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký được một thỏa thuận thống nhất về việc hợp nhất lực lượng quân đội các nước tạo thành một sức mạnh tập thể lớn mạnh hơn.
Theo đó EU sẽ phối hợp với nhau trong đóng góp ngân sách quân đội, phát triển vũ khí và điều động hoạt động bảo vệ an ninh toàn khối.
Việc tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những chỉ trích việc các quốc gia EU không đóng góp đủ ngân sách theo quy định cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở thành chất xúc tác đẩy nhanh hơn kế hoạch nhất thể hóa trong hợp tác quân đội ở EU.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa phía sau thỏa thuận này được cho là chiến lược của EU nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ một cách hợp thức.
Cao ủy phụ trách đối ngoại EU, bà Federica Mogherini gọi đây là một thỏa thuận “lịch sử” vì theo bà “vấn đề thực sự không phải là việc chúng ta đang bỏ ra bao nhiêu, mà là việc trên thực tế chúng ta đang chi tiêu một cách rời rạc”.
Cũng theo bà Federica Mogherini, việc đạt được thỏa thuận này cũng sẽ góp phần củng cố thêm hoạt động của tổ chức NATO do Mỹ chủ trì.
Trước nay Anh luôn là nước phản đối ý tưởng về một lực lượng phòng vệ chung của EU, họ phản đối một dạng thức kiểu như “quân đội châu Âu”.
Tuy nhiên với kế hoạch Brexit đã và đang diễn ra, Anh không còn là cản trở trong vấn đề này, và 23 quốc gia thành viên EU khác đã cùng nhau đạt được thỏa thuận này.
Sau khi quá trình Brexit hoàn tất, nước Anh vẫn có thể tham gia nhưng chắc chắn sẽ có những điều kiện cụ thể.
Theo thỏa thuận, EU sẽ có một khoản ngân sách phòng vệ châu Âu trị giá 5 tỉ euro (5,8 tỉ USD) để mua vũ khí, một quỹ khác dành cho các hoạt động quân sự và một khoản ngân sách khác nữa dành cho nghiên cứu.
Các nhà lãnh đạo EU hy vọng với thỏa thuận này, EU sẽ có các lực lượng quân đội ở mỗi nước được đồng bộ hóa tốt hơn để có thể cùng nhau phản ứng trước những khủng hoảng có thể xảy ra.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel gọi đây là “một cột mốc trong sự phát triển của châu Âu”.
Sau khi đạt được thỏa thuận, bước tiếp theo liên quan sẽ là việc các nhà lãnh đạo EU phải ký thông qua một thỏa thuận có tính ràng buộc về luật pháp trong tháng 12 tới.
Theo D.Kim Thoa / tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC