Thái Lan có mạng lưới cơ sở y tế tốt, nhưng nhiều bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cấp cứu do không thể đến bệnh viện kịp thời, đặc biệt là tại các ngôi làng vùng núi ở miền bắc nước này.
Nhiều bệnh nhân đã tử vong khi phải mất nhiều thời gian vượt đồi núi đến bệnh viện ở thành phố Chiang Mai, thủ phủ tỉnh cùng tên, để điều trị. Trong điều kiện này, cách duy nhất để các y bác sĩ có thể nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân cần cấp cứu là sử dụng trực thăng.
"Nếu chậm trễ, họ sẽ không qua khỏi. Trực thăng cắt giảm đáng kể thời gian cấp cứu, đem lại cơ hội sống cho những người tưởng như không thể tránh khỏi cái chết", Narain Chotirosniramit, bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Chiang Mai, phó giám đốc bệnh viện Maharaj Nakorn Chiang Mai, nói.
Năm 2009, khi quân đội Thái Lan dùng trực thăng di chuyển thương binh trong cuộc xung đột biên giới với Campuchia, các bác sĩ ở tỉnh Mae Hong Son, giáp Chiang Mai, đã để ý điều này và quyết định thành lập nhóm vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng.
Họ dần phát triển thành Sky Doctors (Bác sĩ Bầu trời), nhóm gồm 200 bác sĩ, phi công, điều phối viên, giám đốc y tế, kêu gọi chính phủ cấp kinh phí và đàm phán với không quân Thái Lan để thực hiện những chuyến bay cấp cứu đầu tiên đến Chiang Mai bằng trực thăng quân sự.
Các thành viên Sky Doctors chuẩn bị cất cánh thực hiện một nhiệm vụ tại Thái Lan năm 2016. Ảnh: CMC
Viện Y tế Cấp cứu Quốc gia (NIEM) và nhiều cơ quan y tế, cứu trợ thiên tai khẩn cấp trên toàn Thái Lan sau đó đã đồng ý rót vốn cho dự án Sky Doctors, đem lại nguồn kinh phí giúp các bác sĩ "bay xa hơn".
Sky Doctors nhanh chóng mở rộng hoạt động khắp miền bắc Thái Lan, có thể bắt đầu vận chuyển bệnh nhân trong vòng một giờ kể từ lúc nhận được điện thoại thông báo về trường hợp cần cấp cứu. Họ thành lập trung tâm điều phối ở Chiang Mai, do một số thành viên ban đầu và các giám đốc y tế cấp cao trong thành phố điều hành. Quá trình liên hệ với bệnh nhân, tổ chức và hỗ trợ các chuyến bay đều do bác sĩ Narain phụ trách.
Các bác sĩ sau đó quyết định mở rộng phạm vi triển khai Sky Doctors. Năm 2016, dịch vụ này có mặt tại Tak, Surat Thani và Phuket, với giúp đỡ và tài trợ từ NIEM.
Hoạt động chính của Sky Doctors là vận chuyển người cần cấp cứu tới bệnh viện bằng trực thăng, được thực hiện miễn phí. Họ cũng đảm nhận các dịch vụ phụ trợ, có thu phí như vận chuyển bệnh nhân không thuộc diện cấp cứu, nội tạng cấy ghép, thuốc men, vật tư, nhân viên y tế giữa các bệnh viện.
"Những bệnh nhân bị thương, ốm bệnh cần cấp cứu ở Thái Lan chỉ cần gọi số 1669 là sẽ được cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí bằng trực thăng. Khách du lịch gặp tình huống khẩn cấp cũng vậy", bác sĩ Atchariya Pangma, tổng thư ký NIEM, cho biết năm 2018.
Các bác sĩ Sky Doctors đều được bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi bay, trong khi tình nguyện viên được tham gia các khóa đào tạo do giảng viên từ Bangkok, Chiang Mai, chuyên viên quân đội tiến hành.
Bác sĩ phẫu thuật Narain Chotirosniramit. Ảnh: CMC
Trong giai đoạn 2010-2019, Sky Doctors thực hiện 409 chuyến bay, gồm 80 chuyến cấp cứu và 329 chuyến dịch vụ, dần chinh phục niềm tin của công chúng và du khách ở Thái Lan.
Nhóm cũng hợp tác với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, tích hợp đường dây liên lạc vào số khẩn cấp quốc gia 191, tạo dịch vụ công liền mạch. Họ cũng đề nghị cảnh sát xây dựng một số bãi đỗ trực thăng mới nhằm tăng khả năng tiếp cận hệ thống y tế khẩn cấp ở Hành lang Kinh tế phía Đông (ECC) của Thái Lan.
Ngày 22/1, Bộ Y tế Thái Lan quyết định áp dụng thí điểm dịch vụ Sky Doctors trên toàn quốc trong vòng 100 ngày, trước mắt nhằm chuẩn bị cho lượng lớn du khách đổ về nước này trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Quyết định này đánh dấu thành công của các bác sĩ gây dựng Sky Doctors đời đầu như Narain. Ông nhớ lại trong những ngày khó khăn đầu tiên khi các bác sĩ đối mặt nhiều thách thức về phương tiện liên lạc và thời gian chuẩn bị trực thăng, đội bay để thực hiện dịch vụ. Nhưng ông rất tự hào khi dự án đã cứu sống nhiều mạng người.
Năm 2015, Sky Doctors nhận cuộc gọi khẩn từ một bác sĩ địa phương ở tỉnh Mae Hong Son, cho hay đang cấp cứu cho một bệnh nhân bị tai nạn xe máy.
Trực thăng của Sky Doctors trong cuộc tập huấn ở Phang Nga, miền nam Thái Lan, ngày 22/1. Ảnh: ASEAN Now
"Bệnh nhân bị xuất huyết não trầm trọng, chỉ có thể sống thêm khoảng một tiếng nếu không được phẫu thuật ngay lập tức, song bệnh viện ở Mae Hong Son không đủ trang thiết bị để mổ", Narain nhớ lại. Một tiếng là quá ít để ông có thể chuẩn bị chuyến bay khẩn thời điểm đó, song bác sĩ địa phương đã ra một quyết định dũng cảm.
"Ông ấy khoan một lỗ vào hộp sọ bệnh nhân, hút máu tụ và cho chúng tôi thêm vài tiếng quý giá. Chúng tôi đã tập hợp đội bay và đưa bệnh nhân về Chiang Mai phẫu thuật khẩn thành công", Narain kể. Bệnh nhân này bình phục hoàn toàn, không bị tổn thương não vĩnh viễn.
Đức Trung (Theo Chiang Mai Citylife, Sawadee, National)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC