Diện mạo chiến trường Ukraine sau hai năm giao tranh

Cả Nga và Ukraine đều áp dụng nhiều công nghệ mới trong giao tranh suốt hai năm qua, nhưng cục diện chiến trường đang giống Thế chiến I một cách kỳ lạ.

Khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine ngày 24/2/2022, xe tăng, thiết giáp là những khí tài nổi bật nhất. Hàng trăm xe tăng, thiết giáp Nga áp sát thủ đô Kiev của Ukraine khi đó là thông tin được dư luận toàn cầu chú ý. Nhiều người cho rằng với sức mạnh áp đảo của tăng thiết giáp Nga, Ukraine sẽ nhanh chóng thất thủ.

Nhưng những hạn chế về hậu cần của Nga, cùng các loại tên lửa chống tăng được phương Tây chuyển cho Ukraine, đã khiến kịch bản này không xảy ra. Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Kiev, sau đó chuyển sang thế phản công chớp nhoáng, giành lại nhiều lãnh thổ ở đông bắc và miền nam vào cuối năm 2022.

Thành tựu này là tiền đề để Ukraine tổ chức chiến dịch phản công quy mô lớn từ tháng 6/2023, với kỳ vọng sẽ nhanh chóng đẩy lùi lực lượng Nga khỏi các vùng lãnh thổ kiểm soát. Tuy nhiên, chiến thuật tấn công thiếu hợp lý trên địa hình bằng phẳng và phòng tuyến quá vững chắc của Nga đã khiến cuộc phản công thất bại.

Khi đợt phản công của Ukraine sa lầy, giao tranh biến thành cuộc chiến tiêu hao, nơi hai bên chủ yếu dựa vào các công nghệ quân sự mới để tập kích đối phương, trong đó nổi bật là các loại khí tài không người lái (drone).

Drone của Ukraine thả lựu đạn vào các vị trí của lính Nga, khiến họ mất tinh thần khi ẩn náu trong công sự và chiến hào. Pháo binh Ukraine dùng drone để chỉ thị mục tiêu và hiệu chỉnh đường bắn theo thời gian thực, nã đạn vào quân nhân và xe tăng Nga đang cố tiến qua những khu vực trống trải.

1 Dien Mao Chien Truong Ukraine Sau Hai Nam Giao TranhDrone Ukriane chui vào kho phá xe tăng, thiết giáp Nga

Sự kết hợp giữa drone và các loại pháo chính xác của Ukraine đã gây tổn thất lớn cho Nga. Nhiều đơn vị bộ binh và tăng thiết giáp của Nga bị pháo binh đối phương hạ trên diện rộng.

Tuy nhiên, lực lượng Nga dần áp dụng chiến thuật tương tự và lật ngược tình thế. Quân nhân Nga ẩn náu trong công sự kiên cố cũng tăng cường sử dụng drone để trinh sát, giám sát chiến trường. Các đơn vị Ukraine giờ đây mắc kẹt giữa làn đạn của đối phương khi tiến công và bị những trận pháo kích của Nga xóa sổ.

Sự phổ biến của drone khiến cả hai bên đều không thể mở những đợt tấn công bất ngờ, do mọi hoạt động chuyển quân của họ, kể cả vào ban đêm, đều dễ dàng bị đối phương phát hiện và tập kích.

Ngoài drone, các bên tham chiến cũng nhận ra giá trị của máy bay không người lái (UAV) tầm xa với khả năng tấn công mục tiêu giá trị cao nằm sâu trong hậu phương địch. Nga sử dụng hàng trăm UAV Geran-2, được cho là tương đồng mẫu Shahed-136 do Iran phát triển, như một loại tên lửa hành trình giá rẻ để tấn công loạt đô thị Ukraine.

Geran-2 bay chậm hơn so với tên lửa, có nhiệm vụ làm suy yếu phòng không Ukraine và khiến họ cạn đạn tên lửa. Chiến thuật tập kích phối hợp giữa UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga đang làm suy giảm dần năng lực phòng không của Ukraine.

2 Dien Mao Chien Truong Ukraine Sau Hai Nam Giao Tranh

Binh sĩ Ukraine vác máy bay không người lái trinh sát tại tiền tuyến ở tỉnh Zaporizhzhia tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

Để đối phó, Ukraine cũng tăng cường phát triển những UAV có thể đánh trúng mục tiêu cách xa tới 1.000 km, về lý thuyết có thể tập kích thủ đô Moskva và thành phố St. Petersburg của Nga. Các bãi tập kết, cảng, kho đường sắt và doanh trại của Nga có thể bị chúng tấn công, làm phức tạp thêm thách thức hậu cần mà nước này đối mặt.

Giới chức Ukraine đặt mục tiêu sản xuất một triệu UAV và drone trong năm nay, với ít nhất 50% linh kiện nội địa, nhằm bù đắp viện trợ quân sự ngày càng giảm từ Mỹ. Các gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đã giảm bớt vì lo ngại trong nước và những cuộc xung đột khác, như chiến sự Israel - Hamas, vắt kiệt nguồn lực của Washington.

Nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng drone và công nghệ vũ khí hiện đại chỉ có thể làm suy yếu phần nào lực lượng tham chiến, không thể tiến hành những chiến dịch tấn công mang tính quyết định cục diện chiến trường.

Kết quả là lực lượng bộ binh của cả hai bên đều có xu hướng cố thủ trong hầm hào, công sự, chia thành các phân đội nhỏ thay vì tập trung đội hình lớn để tấn công. Điều này khiến chiến trường Ukraine đang giống Thế chiến I một cách kỳ lạ, khi tác chiến chiến hào là hình thức giao tranh phổ biến nhất.

Một số người thậm chí cho rằng những viên tướng từ đầu thế kỷ 20 sẽ không gặp khó khăn gì để hiểu về mức độ dữ dội trong cuộc xung đột này. Lực lượng hai bên đều có thể khiến đối phương phải trả giá đắt cho từng mét đất mà họ cố tiến lên.

3 Dien Mao Chien Truong Ukraine Sau Hai Nam Giao Tranh

Xe tăng T-80 Nga nã đạn về vị trí Ukraine trên chiến trường hướng Lyman tháng 11/2023. Ảnh: BQP Nga

Do phần lớn các trận đánh đều diễn ra ở tầm xa, pháo binh trở thành lực lượng then chốt cho cả hai bên tham chiến. Một số chuyên gia phương Tây nhận định Ukraine cần đến 240.000 quả đạn pháo mỗi tháng để theo kịp tốc độ bắn của Nga.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chuyển sang chế độ sản xuất thời chiến, tăng đáng kể năng suất chế tạo đạn pháo và rocket cho pháo phản lực. Ngoài ra, phương Tây cho rằng Nga đã nhận lượng lớn đạn pháo và tên lửa từ Triều Tiên, song Mosvka và Bình Nhưỡng bác bỏ thông tin này.

Lực lượng Nga hiện tại khai hỏa số đạn pháo nhiều gấp 5 lần đối phương. Binh sĩ Ukraine nhiều nơi chỉ có thể bắn vài quả đạn mỗi ngày để cầm chân các đơn vị Nga.

Việc kết hợp giữa các loại vũ khí hiện đại và đời cũ làm thay đổi động lực trên chiến trường. Một số chiến thuật mới đang được phát triển, các hệ thống vũ khí thành công được tích hợp vào chiến thuật mới, song nhiều loại phương tiện chiến đấu cổ điển như xe tăng vẫn tham gia các trận đánh.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Nga có thể sản xuất 125 xe tăng mỗi tháng, đủ để thay thế số phương tiện chiến đấu bị phá hủy trong những trận đánh gần đây.

Ukraine đã nhận nhiều xe tăng hiện đại từ phương Tây, nhưng chúng không thể tạo nên mũi đột phá như kỳ vọng khi vấp phải bãi mìn dày đặc của Nga. Kiev hiện chủ yếu sử dụng những cỗ xe tăng này như lô cốt phòng thủ di động, hạn chế triển khai chúng trong các đợt tấn công xung kích.

4 Dien Mao Chien Truong Ukraine Sau Hai Nam Giao Tranh

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Quân đội nhiều nước trên thế giới khi theo dõi chiến sự Ukraine trong hai năm qua đã rút ra những bài học đắt giá.

Trước chiến sự, các nước phương Tây ước tính nhu cầu pháo các loại và đạn là rất nhỏ. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine cho thấy họ cần ngành công nghiệp quốc phòng quy mô lớn ra sao nếu chiến đấu với đội quân ngang hàng.

Kho tên lửa của nhiều nước phương Tây trước chiến sự cũng rất nhỏ. Phần lớn tên lửa đất đối đất trong đó là vũ khí sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine cho thấy vài nghìn quả tên lửa có thể chế tạo nhanh chóng, chi phí thấp là thứ không thể thiếu cho chiến trường hiện đại.

Các loại tên lửa tàng hình như Storm Shadow/SCALP EG với tầm bắn 250 km và độ chính xác cao, song có giá lên đến 2,5 triệu USD mỗi quả và rất mất thời gian để chế tạo. Do đó, quân đội nhiều nước đang tìm kiếm lựa chọn thay thế giá rẻ hơn.

Không chỉ tên lửa hành trình, hệ thống phòng không nhiều lớp cũng đối mặt với bài toán tương tự. Chúng đang cần lượng lớn đạn tên lửa giá rẻ mà các nhà máy có thể dễ dàng tăng năng suất khi xung đột nổ ra.

Trước xung đột Nga - Ukraine, quân đội nhiều nước dần dần loại bỏ xe tăng trong biên chế. Tuy nhiên, chiến sự cho thấy xe tăng được bảo vệ phù hợp trong đội hình tấn công hiệp đồng vẫn có những công dụng nhất định trên chiến trường, nhất là khi cần tung ra các đòn đánh mang tính quyết định.

Nguyễn Tiến (Theo Al Jazeera, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày