Hai nguồn tin an ninh Iraq cho biết ít nhất 300 dân quân, chủ yếu là thành viên nhóm Badr và Harakat Hezbollah al-Nujaba, đêm 1/12 đi đường mòn vượt biên vào Syria để tránh phải qua cửa khẩu.
"Đây là lực lượng tăng viện nhận lệnh đến hỗ trợ các chiến hữu của chúng tôi trên tiền tuyến phía bắc", một nguồn tin quân sự cấp cao Syria cho biết. "Họ chia thành từng nhóm nhỏ vượt biên để tránh bị không kích".
Các nhóm dân quân thân Iran trong khu vực trong nhiều năm là nòng cốt của lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, đóng vai trò đáng kể trong nỗ lực chống phiến quân. Những nhóm này đóng quân tại Syria trong thời gian dài.
Thành viên nhóm dân quân thân Iran tại Baghdad, Iraq ngày 8/2. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi ngày 2/12 khẳng định quân chính phủ Syria đủ sức đối đầu với phiến quân. Khi nhắc tới lực lượng dân quân mà Iran hậu thuẫn, ông cho biết "các nhóm kháng chiến sẽ giúp đỡ và Iran sẽ cung cấp bất cứ hỗ trợ nào cần thiết".
Chiến sự ở Syria đang leo thang sau khi Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là nhóm Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, cùng các nhóm đồng minh ngày 29/11 mở chiến dịch tấn công nhằm vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này. Đây là lần đầu tiên phiến quân tấn công Aleppo từ năm 2016.
Sau hai ngày tấn công, HTS đẩy lùi quân chính phủ Syria khỏi Aleppo và tiếp tục tiến về thành phố Hama ở phía nam. Giới chức Syria xác nhận quân đội nước này rút quân khỏi Aleppo để "tái tổ chức lực lượng". Trong khi đó, tiêm kích của quân đội Nga và Syria nhiều lần oanh tạc khu vực phiến quân kiểm soát ở tây bắc.
Vị trí một số thành phố tại Syria. Đồ họa: AP
HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga năm 2015 mở chiến dịch can thiệp vào nước này nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân.
Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực ở miền bắc nước này, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh không còn các hoạt động quân sự đáng kể ở Syria.
Nga sau đó rút bớt lực lượng khỏi Syria, chỉ duy trì một số đơn vị tại căn cứ Latakia ở miền tây nước này. Giới phân tích cho biết sau 8 năm "nằm im thở khẽ", phiến quân đang lợi dụng việc các lực lượng ủng hộ Tổng thống al-Assad suy yếu, cũng như việc Nga bận rộn với chiến dịch ở Ukraine, để trỗi dậy ở Syria.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP, AP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC