Lãnh đạo Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra, đứng trước cơ hội trở thành thủ tướng Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Phán quyết của Tòa hiến pháp Thái Lan với ông Srettha Thavisin ngày 14-8 đã đưa bà Paetongtarn Shinawatra một lần nữa đến gần hơn với chiếc ghế người đứng đầu Chính phủ.
Cho rằng ông Srettha Thavisin đã bổ nhiệm một bộ trưởng từng có tiền án, Tòa hiến pháp đã đưa ra quyết định bãi nhiệm ông khỏi chức vụ thủ tướng sau chưa đầy một năm tại vị.
Vì sao Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bị tòa án bãi nhiệm? - Nguồn: AFP
Ba ứng viên tiềm năng của liên minh cầm quyền
Sau phán quyết của tòa, mọi ánh mắt đều đổ dồn về Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), đảng mà ông Srettha Thavisin là một thành viên và đang đứng đầu liên minh các đảng cầm quyền.
Trong thông báo chiều tối 14-8, đảng này cho biết sẽ họp vào sáng 15-8 để quyết định ứng cử viên thủ tướng của mình.
Cùng ngày 14-8, Quốc hội Thái Lan thông báo Hạ viện sẽ tiến hành bầu thủ tướng mới vào 10h sáng 16-8 theo giờ địa phương (tức 10h sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Con gái ông Thaksin trước cơ hội trở thành thủ tướng khi mới 38 tuổi
Theo Reuters, có hai gương mặt của Pheu Thai đủ điều kiện để được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội là lãnh đạo Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra và ông Chaikasem Nitisiri, cựu bộ trưởng tư pháp.
Song theo báo Bangkok Post, còn thêm một ứng viên khác cũng thuộc liên minh cầm quyền là Phó thủ tướng Anutin Charnvirakul, lãnh đạo Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai).
Đây là đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, còn ông Anutin được đánh giá là một người có thể thỏa hiệp với các đảng khác.
Tuy nhiên trong tuyên bố tối 14-8, Phó thủ tướng Anutin nhấn mạnh bản thân không nghĩ đến việc tranh cử thủ tướng. Ông cũng khẳng định liên minh cầm quyền vẫn đoàn kết mạnh mẽ và Pheu Thai, với tư cách là đảng lớn nhất trong liên minh, nên là đảng lãnh đạo việc thành lập chính phủ mới.
"Pheu Thai vẫn đang lãnh đạo chính phủ. Chúng ta phải lắng nghe Pheu Thai", ông Anutin nói.
Trở ngại với con gái của ông Thaksin
Theo quy trình, chủ tịch Hạ viện Thái Lan sẽ triệu tập Quốc hội để bỏ phiếu bầu thủ tướng tiếp theo. Tuy nhiên, không giống năm ngoái, Thượng viện sẽ không bỏ phiếu về vấn đề này.
Để trở thành thủ tướng, một ứng cử viên cần có sự ủng hộ của hơn một nửa trong số 493 nhà lập pháp hiện tại, tức 247 phiếu bầu. Nếu không đủ số phiếu, Hạ viện phải họp lại sau đó và tiếp tục bỏ phiếu cho các ứng viên khác.
Liên minh cầm quyền do Pheu Thai đứng đầu gồm 11 đảng, có 314 ghế tại Hạ viện.
Với tư cách là lãnh đạo Pheu Thai, hiện thời bà Paetongtarn Shinawatra có nhiều cơ hội nhất trở thành thủ tướng thứ 31 của Thái Lan.
Điều này là bởi ông Chaikasem Nitisiri, dù là một trụ cột của Pheu Thai, lại có vấn đề về sức khỏe và tuổi tác khi năm nay đã 76 tuổi.
Nếu được bầu làm thủ tướng, bà Paetongtarn Shinawatra sẽ là nữ thủ tướng thứ hai của Thái Lan và là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử khi chỉ mới 38 tuổi.
Cho đến thời điểm hiện tại, danh hiệu thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan vẫn thuộc về ông M.R. Seni Pramoj khi ông đắc cử thủ tướng ở tuổi 40 vào năm 1945.
Nữ thủ tướng đầu tiên của xứ chùa tháp là bà Yingluck Shinawatra, một người của gia tộc Shinawatra và là cô ruột của bà Paetongtarn Shinawatra.
Theo giới phân tích, xuất thân có thể là trở ngại với con gái ông Thaksin Shinawatra khi các chính trị gia thân quân đội vẫn lo ngại sức ảnh hưởng của nhà Shinawatra.
Nếu được bầu, bà Paetongtarn Shinawatra sẽ là người thứ ba của gia tộc Shinawatra nắm ghế thủ tướng. Cả hai thủ tướng của gia tộc này, ông Thaksin Shinawatra và bà Yingluck Shinawatra, đều bị lật đổ trong các cuộc chính biến của quân đội.
Bản thân ông Thaksin Shinawatra, người vẫn được coi có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề của Pheu Thai, cũng từng bày tỏ sự e ngại về việc con gái mình ngồi vào ghế nóng quá sớm.
Cựu chính trị gia kỳ cựu dường như lo ngại bà Paetongtarn Shinawatra có thể gặp vấn đề với quân đội và sức ép từ các đảng thân quân đội đối lập.
Các ứng viên thủ tướng Thái Lan khác gồm những ai?
Những ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và tướng Prawit Wongsuwon, người đứng đầu Đảng Palang Pracharath có liên hệ mật thiết với quân đội.
Tướng Prawit đã tham gia vào hai cuộc đảo chính gần đây nhất chống lại chính phủ do người của gia tộc Shinawatra lãnh đạo.
Theo giới phân tích, không loại trừ khả năng ông Anutin Charnvirakul sẽ bước vào cuộc đua làm thủ tướng.
Ông được đánh giá là một nhà đàm phán khôn ngoan, biết đứng giữa hai phe đối đầu suốt nhiều năm qua trong chính trường Thái Lan là phe thân quân đội và phe dân túy mà Pheu Thai đại diện.
DUY LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC