Viễn cảnh Mỹ áp dụng một loạt thuế quan mới dưới thời Trump 2.0 (nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump, chính thức bắt đầu tháng 1/2025) đã làm giới đầu tư và các nhà kinh tế lo ngại rằng USD có thể tăng mạnh lên mức ngang giá với đồng euro của Liên minh châu Âu trong năm 2025.
Sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 6/11, chỉ số đồng USD (USD Index) vọt lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng. Ngược lại, đồng euro sụt giảm mạnh xuống dưới 1,05 USD ngày 15/11. Trong tháng 9/2024, tỷ giá euro còn ở mức khoảng 1,17 USD.
Theo nghị trình, ông Donald Trump (ảnh) sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trong thời kỳ Trump 2.0. Nguồn: Getty Images
Trong các ảnh hưởng của đồng USD mạnh, có thể kể đến việc người Mỹ sẽ mua hàng hóa và du lịch nước ngoài rẻ hơn. Tuy nhiên, hàng hóa của công ty Mỹ sẽ kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, chưa nói đến nỗi lo lạm phát toàn cầu. Bởi vì đồng USD mạnh lên sẽ làm tăng lạm phát ở các nước có đồng tiền yếu hơn (đa số các nước trên thế giới), gây khó khăn cho việc trả nợ bằng USD.
Ông Trump rất thích "Make America Great Again" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại). Theo đó, kế hoạch thuế quan của Trump gồm tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn, thúc đẩy việc lựa chọn hàng trong nước. Việc này cũng sẽ tác động đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ vì hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn, và sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu được định giá bằng ngoại tệ.
Đề xuất áp thuế phổ cập 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc cùng với kế hoạch cắt giảm thuế và hạn chế nhập cư của chính quyền Trump nhìn chung được dự báo sẽ làm tăng áp lực lạm phát tại Mỹ.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong lộ trình cắt giảm lãi suất. Fed đã cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tháng 9 và 25 điểm cơ bản trong tháng 11. Tuy nhiên, thị trường thế giới lo ngại sẽ không có lần giảm 25 điểm cơ bản trong tháng 12 tới, và tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025 và 2026 cũng có thể chậm hơn so với dự định của Fed trước kỳ bầu cử. Nghĩa là Fed phải thận trọng hơn do áp lực lạm phát.
Ông James Reilly, nhà phân tích kinh tế và thị trường cấp cao của Capital Economics, dự báo đồng USD có khả năng ngang bằng với đồng euro vào cuối năm 2025.
Fed và câu hỏi chính sách tiền tệ sau khi ông Trump thắng cử
Ông Reilly dự báo: "Fed có thể tiến hành quá trình cắt giảm lãi suất chậm hơn. Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB hiện nay có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn so với bình thường trong bối cảnh xuất khẩu bị chậm lại".
Thế giới vẫn còn nhiều biến động nên thị trường thế giới không vơi đi lo âu. Trong khi cuộc chiến ở Trung Đông và xung đột giữa Nga với Ukraine có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng USD, chính sách thuế và chi tiêu của nhiệm kỳ Trump 2.0 có thể làm tăng thâm hụt liên bang của Mỹ, gây lo ngại thêm về nợ công của nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Thị trường toàn cầu chao đảo sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm 19/11 rằng Nga đã mở rộng các trường hợp mà họ sẽ cân nhắc các biện pháp trả đũa hạt nhân.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nhật Bản có thể sử dụng biện các biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của 2 nền kinh tế mạnh này nếu đồng Nhân dân tệ và Yên tiếp tục suy yếu.
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách thuế quan cứng rắn đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ là thuận lợi cho các nhà cung cấp khác như Việt Nam tại thị trường Mỹ, theo một báo cáo mới từ công ty dịch vụ tài chính Mirae Asset của Hàn Quốc. Theo báo cáo, một số ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam có thể được hưởng lợi vì lợi thế về giá của hàng hóa Trung Quốc sẽ thu hẹp, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trong thời gian tới.
© 2024 | Thời báo ĐỨC