Khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai với vai trò lãnh đạo cơ quan điều hành EU.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch EC đầu tiên từ năm 2019, bà đã chứng kiến những gì ông Trump làm trên cương vị tổng thống Mỹ và dường như đã rút ra bài học: Hãy luôn lường trước những điều bất ngờ, đồng thời xác định rõ lợi ích chung giữa châu Âu và Mỹ.
Ông Trump, người nổi tiếng với những tuyên bố gây sốc cùng tính cách khó đoán, từ lâu đã công kích Liên minh châu Âu (EU). Năm 2018, ông gây sốc khi gọi EU là kẻ thù hàng đầu của Mỹ, chỉ trích khối "lợi dụng Mỹ về thương mại" trong khi vẫn nhờ cậy Washington hỗ trợ phòng thủ.
Ông Donald Trump tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, thành phố West Palm Beach, bang Florida, ngày 6/11. Ảnh: AP
Trở lại sau 4 năm, Tổng thống đắc cử Mỹ đang đe dọa áp thuế thương mại với châu Âu, cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine và giảm bớt vai trò của nước này trong an ninh khu vực.
Theo giới quan sát, tương lai mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu bà von der Leyen có thể làm dịu cơn giận của ông đối với EU hay không.
Trong năm đầu tiên bà làm việc tại EC, trùng với 12 tháng cuối trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, EU đã đạt được thỏa thuận cắt giảm thuế quan với chính quyền Trump và bắt đầu đối thoại chung về Trung Quốc, quốc gia mà cả Mỹ và châu Âu đều coi là "mối đe dọa tiềm tàng".
Von der Leyen, 66 tuổi, người từng được coi là ứng viên tiềm năng kế nhiệm cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, luôn nhất quán trong những thông điệp bà đưa ra.
Khả năng kiểm soát chặt chẽ và có tổ chức của bà đối với bộ máy quan liêu ở Brussels giúp ngăn chặn phần lớn các dấu hiệu hỗn loạn. Bà thậm chí có phòng ngủ riêng tại văn phòng của mình ở EC để có thể làm việc suốt ngày đêm.
Là đồng minh thân cận với Tổng thống Joe Biden, von der Leyen đã tìm mọi cách tránh xung đột giữa EU với Washington trong những năm gần đây. Bà cũng nói rõ rằng lợi ích sống còn của châu Âu là hình thành mối quan hệ mang tính xây dựng với chính quyền Trump sắp tới và tránh những gì có thể trở thành xung đột lớn về thương mại hay gây ảnh hưởng tiêu cực tới số phận Ukraine và an ninh châu Âu.
Các lãnh đạo EU gần đây đều cho biết họ sẽ chủ động tìm kiếm những lĩnh vực có thể tăng hợp tác với Mỹ. Nhưng họ cũng đang vạch ra những kế hoạch riêng để bảo vệ lợi ích của chính mình khi ông Trump lên nắm quyền.
Một nhóm chuyên gia EU đã làm việc từ mùa hè, phân tích những đề xuất chính sách của ông Trump để đưa ra biện pháp đối phó và tìm kiếm các động lực có thể kiềm chế bất đồng giữa hai bên. Các cuộc thảo luận ban đầu của họ tập trung chủ yếu vào thương mại và thuế quan.
EC đã xem xét các phương án nhằm tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và thu hẹp thặng dư thương mại của EU với Mỹ. Chủ tịch von der Leyen gần đây đề xuất mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ để thay thế khí đốt Nga mà một số nước thành viên trong khối vẫn sử dụng. EU đã tăng gần gấp ba lần lượng nhập khẩu LNG Mỹ kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi năm 2022.
Các quan chức và nhà ngoại giao EU cho biết khối cũng có thể xem xét mua thêm một số nông sản và vũ khí Mỹ để xoa dịu quan điểm của ông Trump về thặng dư thương mại.
Nếu Mỹ áp đặt thuế quan, EC sẽ nhắm vào các lĩnh vực nhạy cảm của Mỹ để đáp trả, cũng bằng biện pháp thuế, giống như họ đã làm sau khi chính quyền Trump đầu tiên áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu vào năm 2018. Lúc bấy giờ, họ nhắm tới hàng loạt mặt hàng của Mỹ, từ rượu whiskey đến xe máy Harley-Davidson, nước cam hay quần jean Levi's.
Nhưng giờ đây, các quan chức châu Âu cho biết việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với chính quyền mới sẽ đòi hỏi loạt biện pháp vượt ra ngoài phạm vi thương mại, như chịu thêm gánh nặng tài chính trong việc hỗ trợ Ukraine hay tăng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên trong khối.
"Nga đang chi tới 9% GDP cho quốc phòng. Châu Âu đang chi tiêu trung bình 1,9%", bà von der Leyen nói hồi tuần trước. "Chi tiêu quân sự của chúng ta phải tăng lên".
Von der Leyen đang vạch ra một kế hoạch quốc phòng mới cho châu Âu, có thể đổ hàng nghìn tỷ USD vào ngành công nghiệp quốc phòng và các dự án quân sự của khối. Nhưng chính phủ các quốc gia châu Âu, chứ không phải EU, mới là bên nắm phần lớn ngân sách viện trợ cho Ukraine và quốc phòng, vì vậy Brussels không thể ép buộc các nước đáp ứng kỳ vọng từ ông Trump.
EU đã cam kết đóng góp gần 37 tỷ vào khoản vay của G7 dành cho Ukraine và vẫn còn gói ngân sách trị giá gần 53 tỷ USD hỗ trợ Kiev chưa giải ngân hết.
Về quốc phòng, 2/3 số thành viên NATO hiện đáp ứng đủ yêu cầu chi 2% GDP cho quân sự theo mục tiêu của liên minh. Tháng trước, ứng viên cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz nói với CNBC rằng 2% là "mức tối thiểu".
Nhưng việc tăng chi tiêu quốc phòng có thể tạo ra vấn đề với một số mục tiêu khác của các quốc gia thành viên EU, khi nhiều nước châu Âu đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ bất ổn chính trị, tăng trưởng kinh tế yếu đến nợ công khổng lồ.
Tham gia cùng von der Leyen trong ban lãnh đạo mới của EU là cựu thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người thay thế Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell. Cựu thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa trở thành Chủ tịch Hội đồng châu Âu, chịu trách nhiệm điều chỉnh lập trường của các lãnh đạo quốc gia EU.
Kallas và Costa đều bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình bằng chuyến thăm Kiev, nhấn mạnh đây là lời khẳng định về cam kết của châu Âu đối với Ukraine.
Phát biểu với một nhóm phóng viên trên đường đến nước Ukraine, Kallas cho biết EU sẽ cần thảo luận kỹ lưỡng về "cách thức trao đổi" với Tổng thống đắc cử Mỹ và thuyết phục ông rằng việc từ bỏ Kiev sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính Washington.
Bà đồng thời cảnh báo về rủi ro khi mọi người quá tập trung vào việc đạt được lệnh ngừng bắn nhanh chóng nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.
Tổng thống đắc cử Trump đã nêu rõ rằng ông muốn sử dụng thuế quan để thay đổi dòng chảy thương mại và khiến chính phủ các nước, kể cả đồng minh lẫn đối thủ, phải nhượng bộ trước Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ, ngày 9/6. Ảnh: AFP
Tháng trước, ông tuyên bố sẽ áp thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời tăng thêm 10% thuế với hàng hóa Trung Quốc cho đến khi giải quyết được vấn đề nhập cư trái phép và buôn bán chất gây nghiện fetanyl xuyên biên giới.
Quan chức thương mại hàng đầu EU Sabine Weyand cho hay khối đang tiếp tục phân tích tất cả chính sách thương mại mà các cố vấn của ông Trump có thể đề xuất, khẳng định mục tiêu khối hướng đến vẫn là hợp tác với Mỹ.
"Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho những kịch bản hỗn loạn", bà nói.
Kể từ khi ông Trump đắc cử, bà von der Leyen đã khẳng định cái giá phải trả là quá lớn nếu mối quan hệ Mỹ - châu Âu rạn nứt.
"Hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD thương mại, đầu tư ở mỗi bên bờ Đại Tây Dương phụ thuộc vào sự năng động và ổn định trong mối quan hệ kinh tế giữa chúng ta", bà nói trong thông điệp chúc mừng gửi tới ông Trump.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC