Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon hôm 10/9 cảnh báo London nằm trong vòng nguy hiểm của chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời trên kênh truyền hình BBC, ông Fallon cho rằng, việc Bình Nhưỡng tăng tốc trong cuộc đua chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân sẽ đẩy Anh vào mối đe dọa.
Theo đó, khi được hỏi liệu tên lửa của Triều Tiên có thể nhắm trúng London hay không, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, Anh nên cẩn thận để chuẩn bị bởi London gần với Triều Tiên hơn là Los Angeles.
“Chưa, song rõ ràng họ đang thúc đẩy chương trình tên lửa của mình. Tầm bắn càng ngày càng xa và chúng ta phải làm cho chương trình này ngừng lại bởi mối nguy hiểm bắt nguồn từ sự tính toán nhầm hoặc sự cố nào đó khiến các bên đáp trả là rất lớn… London gần Triều Tiên hơn là Los Angeles” – Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết.
Cả Anh và Mỹ, theo các nguồn tin, đều sửng sốt trước tốc độ phát triển của các chương trình hạt nhân và tên lửa do Triều Tiên phát triển.
Vào đầu năm nay, các nguồn tin chính phủ dự đoán Triều Tiên sẽ cần một thập niên để có thể phóng ICBM gắn đầu đạn hạt nhân.
Hiện giờ, Bình Nhưỡng được dự đoán sẽ chỉ mất một vài năm để làm được điều này.
Cũng không nằm ngoài sự lo ngại mức phát triển tốc độ này của Triều Tiên sẽ sớm có khả năng đặt châu Âu vào trong tầm ngắm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản cũng đã cho rằng, cần phải phản ứng mạnh mẽ với Bình Nhưỡng hơn nữa.
Tổng thống Macron khẳng định rằng, những “hành động khiêu khích lặp đi lặp lại” của Bình Nhưỡng thực sự là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Ông Macron đồng thời thể hiện “tình đoàn kết” của Pháp đối với Nhật Bản.
Reuters dẫn thông báo từ văn phòng ông Macron sau cuộc điện đàm cho rằng, cộng đồng quốc tế phải có “phản ứng thống nhất và kiên quyết” trước Triều Tiên.
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo Triều Tiên có khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và châu Âu “chỉ trong vài tháng”.
Phản ứng của hai nước châu Âu trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt đã khiến Bình Nhưỡng lập tức đáp trả.
Vụ phó Vụ châu Âu – Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Tok-Son cho rằng, tuyên bố của Pháp về khả năng tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể tấn công châu Âu là “lố bịch”.
Ông Ri theo đó đã nhấn mạnh rằng, kho vũ khí nguyên tử của Triều Tiên chỉ nhằm phản ứng tới các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đồng thời nhắc về quan hệ đồng minh của Pháp và Mỹ.
“Thật nực cười khi nói rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên – lực lượng răn đe đối với mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ, có thể nhắm vào châu Âu. Nếu vũ khí hạt nhân là điều xấu, Pháp cũng phải từ bỏ nó vì Paris không phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân nào” – ông Ri nói.
Đức sẵn sàng đối mặt đàm phán với Triều Tiên
Trong khi hai nước chủ chốt ở châu Âu hiện nay phản ứng mạnh mẽ vì lo sợ tốc độ phát triển hạt nhân bên bờ Đông châu Á, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại cho rằng, phương pháp duy nhất là ngồi lại với nhau và đối mặt trên một bàn đàm phán.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay bà luôn sẵn sàng góp phần vào sáng kiến ngoại giao nhằm chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời gợi ý rằng đàm phán hạt nhân với Iran có thể là một hình mẫu tốt đáng làm theo.
Nữ Thủ tướng Đức nhận rõ vị trí của quốc gia này trong cuộc mâu thuẫn giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Trên trường quốc tế, việc lên tiếng về phản ứng này là hợp lý và trong trường hợp này, bà ủng hộ biện pháp đối thoại.
Tuy nhiên, ngược lại với Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Quốc phòng Anh, nữ Thủ tướng Đức không bày tỏ nỗi sợ sệt liên quan đến khả năng bay xa hơn hay không của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới châu Âu.
Khả năng hạn chế các mối đe dọa này có thể dập tắt từ trong trứng nước bằng việc ngồi lại đàm phán và lắng nghe nhau lại không được Mỹ, Anh hay Pháp nhận ra. Thay vào đó, các nước lớn đang phát triển thứ vũ khí nguy hiểm này lại phản ứng hết run sợ đến nổi nóng bởi một quốc gia khác đang trên đà tăng tốc đẩy mạnh sản xuất hạt nhân.
Theo Đông Phong / baodatviet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC