Ông Pavel Durov, đồng sáng lập và CEO của Telegram - Ảnh: GETTY IMAGES
Vụ giới chức Pháp bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov diễn ra trong khuôn khổ cuộc điều tra tư pháp mở ngày 8-7, sau khi có cuộc điều tra sơ bộ trước đó.
Cuộc điều tra tập trung vào các cáo buộc liên quan đến giao dịch bất hợp pháp trong một tổ chức tội phạm sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em, cung cấp hoặc tạo điều kiện cho việc tiếp cận những hình ảnh này...
Cuộc điều tra cũng liên quan đến việc "từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện các biện pháp nghe lén thông tin theo quy định pháp luật", theo tuyên bố của bà Beccuau.
Công tố viên Paris cũng lưu ý rằng việc giam giữ ông Durov có thể kéo dài đến 96 giờ kể từ ngày 24-8, để thực hiện các thủ tục tố tụng đối với các tội phạm có tổ chức.
Ngày 26-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố trên mạng xã hội X rằng vụ bắt giữ ông Durov "hoàn toàn không mang yếu tố chính trị".
Ngày 27-8, một quan chức cấp cao của Nga đã phát biểu rằng Washington đứng sau vụ bắt giữ ông Pavel Durov, CEO của Telegram - nền tảng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về cuộc chiến tại Ukraine.
Ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga, cho rằng nước Mỹ, thông qua Pháp, đã cố gắng kiểm soát Telegram.
"Telegram là một trong số ít và đồng thời là nền tảng Internet lớn nhất mà Mỹ không có ảnh hưởng", ông Volodin nói.
Ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram, có trụ sở tại Dubai, có gần 1 tỉ người dùng và đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Sau khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn thông tin chính cho cả hai phía về tình hình mặt trận và chính trị xung quanh cuộc xung đột.
Nền tảng này đã trở thành thứ mà một số nhà phân tích gọi là "chiến trường ảo" cho cuộc chiến. Ngay cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức của ông, cũng như quan chức Chính phủ Nga, cũng sử dụng Telegram.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC