Biển Đông năm 2018: Sóng có dậy lại ở điểm nóng 'bị bỏ quên'?

 Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã "phủ bóng" tranh chấp Biển Đông trong năm 2017, nhưng giới quan sát cho rằng khu vực này là lợi ích lâu dài của nước Mỹ và không dễ bị bỏ rơi.

Biển Đông năm 2018: Sóng có dậy lại ở điểm nóng bị bỏ quên? - 0

Hạ tầng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh: CSIS/AMTI.

"Biển đã rất đẹp cho Trung Quốc trong năm 2017", Michael Fuchs, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nước Mỹ Tiến bộ, nói với CNN.

Châu Á năm 2017 bị bao phủ bởi hoang mang về chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump tại Mỹ, hiện vẫn đang trống nhiều vị trí phụ trách khu vực này, và những đợt thử thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Năm 2017 trở thành năm tranh chấp trên Biển Đông bị "bỏ quên" và Trung Quốc có điều kiện để thúc đẩy các hoạt động tăng cường quân sự ở vùng biển họ tuyên bố chủ quyền và xoa dịu các quốc gia có tranh chấp.

Dù vậy, tình hình năm 2018 có thể sẽ khác, một Bắc Kinh quá tự tin "làm tới" có thể sẽ buộc Mỹ cùng các đồng minh phản ứng.

Biển Đông năm 2018: Sóng có dậy lại ở điểm nóng bị bỏ quên? - 1

Cuộc khủng hoảng Triều Tiên trở thành vấn đề nổi cộm nhất của châu Á trong năm 2017 và "phủ bóng" lên nhiều điểm tranh chấp khác, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ảnh: AFP.

Nước Mỹ mờ nhạt

Dù phần lớn các nhà phân tích trả lời CNN đều đồng ý rằng Nhà Trắng đã không chú ý đúng mức đến vấn đề Biển Đông, họ bất đồng nhau về nguyên nhân của thái độ này.

Vào đầu năm nay, chính quyền Trump tỏ ra rằng họ sẽ cứng rắn hơn với các động thái trên Biển Đông. "Xây đảo và triển khai các thiết bị quân sự tại đây không khác gì việc Nga chiếm Crimea", ông Rex Tillerson nói trong phiên điều trần để được Thượng viện phê chuẩn vào chức ngoại trưởng hồi tháng 1.

"Chúng tôi sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, hãy dừng việc xây đảo, và thứ hai, họ không được phép đưa các thiết bị đến đảo", ông nói.

Thế nhưng, căng thẳng đã leo thang trên bán đảo Triều Tiên và cuộc khủng hoảng hạt nhân, tên lửa Triều Tiên trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Mỹ xem chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng là mối đe dọa rõ ràng và hiển hiện đối với đất liền của họ.

Ngoài ra, gần một năm sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn trống nhiều chỗ trong khi nhân sự phụ trách công tác châu Á được huy động để tập trung vào vấn đề Triều Tiên.

"Ai cũng biết chuyện chính quyền Trump vẫn thiếu người tại châu Á", ông Gregory Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.

"(Vì vậy) không bất ngờ khi họ không thể tập trung vào việc gì trừ Triều Tiên. Và đôi khi họ nói về thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng tất cả chỉ có thế thôi".

Trong khi đó, các nhà bình luận khác nói rằng đơn giản Tổng thống Trump không coi trọng việc này như người tiền nhiệm. Một số người cũng lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục đề cao vấn đề này trong quyền hạn có thể của họ.

Các diễn biến trên Biển Đông không mang tính cấp bách và có thể có hệ quả "sống chết" như tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, việc đứng lên thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và tham vọng xâm phạm chủ quyền của nước khác, kiểm soát các tuyến đường giao thương là vấn đề lâu dài hơn và thiết yếu cho việc duy trì "trật tự dựa trên luật lệ" mà Mỹ đã cổ súy từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

"Vấn đề Biển Đông thoạt trông không tự nhiên đối với người như Tổng thống Trump vì nó là thuộc về các chuẩn mực quốc phòng mơ hồ và sự ổn định mang tính hệ thống", CNN dẫn lời Euan Graham, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Lowy (Australia).

Biển Đông năm 2018: Sóng có dậy lại ở điểm nóng bị bỏ quên? - 2

Các chuyên gia cho rằng vấn đề Biển Đông, dù là lợi ích cốt lõi của Mỹ, nhưng không mang tính cấp thiết như vấn đề Triều Tiên và cũng quá dễ tiếp nhận đối với Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia vừa được công bố của chính quyền Trump, nội dung về Biển Đông được đề cập ngắn ở trang 46. Washington cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm "xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đe dọa tự do mậu dịch, gây tổn hại chủ quyền của các nước và hạ thấp sự ổn định trong khu vực".

Các nhà phân tích cho rằng việc đề cập này phần lớn chỉ là lời nói miệng.

"Những người Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến lược dài hạn là chiếm lấy quyền kiểm soát phi chính thức đối với các tuyến đường biển ở Biển Đông. Điều thay đổi là Mỹ đã ngưng để tâm", ông Fuchs, người từng là phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương trong giai đoạn từ 2013-2016, nhận định.

Washington vẫn tiếp tục các hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải như đưa tàu đến những vùng biển có tranh chấp căng thẳng. Trong một số trường hợp, tàu Mỹ đã đến rất gần các đảo, đá mà Trung Quốc kiểm soát, kéo theo vài cuộc trao đổi căng thẳng với hải cảnh Trung Quốc.

Những dấu hỏi với COC

Ông Poling còn nói đến một ý khác, là "cảm giác mệt mỏi" đối với vấn đề Biển Đông.

"Sau 3 năm với những bức ảnh sống động trải khắp các mặt báo về việc Trung Quốc xây đảo, chuyện đó giờ đã thành 'điều bình thường mới' rồi", ông nói.

Ngoài nước Mỹ, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xích lại gần Trung Quốc trong khi Malaysia và Indonesia hạn chế việc can thiệp bên ngoài đã giúp Trung Quốc có thêm một năm thuận lợi trong việc củng cố lợi ích ở khu vực. 

Các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông cũng đã có tiến triển. Trung Quốc và ASEAN đã thông qua dự thảo thỏa thuận khung cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). 

Các nhà phân tích cho rằng văn bản đã không đề cập đến các hoạt động quân sự hóa đảo và thậm chí sau khi được chính thức thông qua, nó có thể vẫn không có tính ràng buộc.

Trước đó, trao đổi với Zing.vn, Giáo sư James Holmes của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng sau nhiều năm trì hoãn, Trung Quốc đã chọn năm 2017 để xúc tiến việc đàm phán COC vì đây rõ ràng là một thời điểm có lợi cho họ.

"Nếu Trung Quốc có thể thuyết phục các quốc gia có đường biển ở Đông Nam Á đồng ý thông qua một bộ quy tắc ứng xử có lợi cho họ, và nếu họ có thể đưa ra những điều khoản trông như thể các nước Đông Nam Á đồng ý với tuyên bố của Trung Quốc đối với những vùng biển không tranh chấp, Bắc Kinh sẽ đạt được một cuộc 'đảo chính' ở đây", ông nói.

Ngoài ra, "họ còn có được sự đồng thuận đối với vai trò lãnh đạo trong khu vực và bù đắp cho thất bại trước phiên tòa Biển Đông năm 2016 với phán quyết đã tuyên rằng tuyên bố của Bắc Kinh là phi pháp".

Biển Đông năm 2018: Sóng có dậy lại ở điểm nóng bị bỏ quên? - 3

2017 là một năm "biển đẹp cho Trung Quốc". Ảnh: AFP.

Các chuyên gia tin rằng đây là một phần trong chiến lược kiên nhẫn trên Biển Đông của Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc muốn một cuộc chơi dài hạn, đợi chờ các đối thủ hoặc là chia rẽ hoặc là mất đi hứng thú trong khi lợi dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng lên những nước nhỏ hơn cũng có tranh chấp lãnh thổ.

"Lựa chọn của Trung Quốc trong thập niên qua là không kích động một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông, vì trước sau gì Mỹ cũng sẽ mất tập trung và chúng tôi (người Mỹ) không thể duy trì sự quan tâm chính trị ở mức độ cao đối với vấn đề này suốt từ đời chính quyền này sang đời chính quyền khác được", ông Poling nói.

"Có vẻ là họ đúng. Ít ra trong lúc này".

Lợi ích lâu dài của Mỹ

Dù vậy, sự tự tin thái quá sau một năm thành công có thể làm hỏng những lợi thế Trung Quốc đang có, đặc biệt khi họ nghĩ rằng các bên tranh chấp còn lại sẽ im lặng.

"Điều tôi có thể chắc chắn là Trung Quốc sẽ quá tay, vì ở Bắc Kinh, vấn đề đáng bận tâm duy nhất là Washington", ông nói.

"Tôi nghe được rất nhiều thái độ chiến thắng thiếu chín chắn ở Trung Quốc rằng họ nắm được cả khu vực này, miễn là Mỹ không ngáng đường nữa, cả châu Á sẽ đồng ý với sự lãnh đạo của Trung Quốc".

Ở mặt khác, nhiều nhà quan sát cũng dự đoán rằng nếu Mỹ tiếp tục chính sách hiện tại ở Biển Đông, các đồng minh hiệp ước của nước này, như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, sẽ tham gia tích cực hơn vào tình hình khu vực để bảo vệ các tuyến đường hàng hải.

Các cuộc đàm phán về COC cũng sẽ tiếp tục trong khi Trung Quốc bắt đầu đưa vào sử dụng các cơ sở quân sự họ xây dựng trên những đảo chiếm đóng ở Biển Đông, điều thêm máy bay, tàu thuyền và nhân sự tới đây vì họ "không xây những đường băng để bỏ không", theo lời chuyên gia của CSIS.

Nếu mọi việc đi theo quỹ đạo hiện tại, đó sẽ là vận may của Bắc Kinh. Dù vậy, còn quá sớm để nói rằng họ là người thắng cuộc.

"Hệ thống quy chuẩn cơ bản về sức mạnh Mỹ, bao gồm cả sự phục hồi về kinh tế, không dễ dàng bị đánh giá thấp", ông Graham của Viện Lowy cho biết.

"Câu hỏi mấu chốt là, liệu (sức mạnh của Mỹ) sẽ được chuyển thành ý chí chính trị và sự lãnh đạo hay không, đặc biệt khi một vấn đề như vậy không thu hút công chúng đầy hoài nghi lẫn quốc hội vì nó mơ hồ và liên quan đến trật tự mang tính hệ thống", ông lo ngại.

Nguồn: Phương Thảo/ Zing.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày