Báo Anh: Đặc nhiệm phương Tây đã hoạt động ở Ukraine

Đặc nhiệm phương Tây đã hiện diện không chính thức ở Ukraine, Financial Times dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu cho biết.

1 Bao Anh Dac Nhiem Phuong Tay Da Hoat Dong O Ukraine

Đặc nhiệm phương Tây được cho là đã đến Ukraine để hỗ trợ quân đội nước này (Ảnh: Reuters).

Sau cuộc họp của khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các bên "thảo luận cởi mở, thẳng thắn" và "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine". Mặt khác, ông cũng khẳng định hiện tại "chưa có sự đồng thuận chính thức" về vấn đề này.

Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của châu Âu giải thích với Financial Times rằng phát ngôn của ông Macron là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép lên Nga.

"Mọi người đều biết có lực lượng đặc biệt phương Tây ở Ukraine nhưng họ chưa chính thức thừa nhận điều đó", quan chức này nói, song từ chối nêu thêm chi tiết.

Nga đã nhiều lần thông báo về các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng mà họ mô tả là "lính đánh thuê nước ngoài" ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, tính đến cuối năm 2023, Nga đã hạ hơn 5.800 lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine, hầu hết là các tay súng đến từ Ba Lan, Mỹ và Anh.

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 60 tay súng nước ngoài, chủ yếu là công dân Pháp, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Ukraine.

Thời điểm đó, giới chức Pháp phủ nhận sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nào của họ ở Ukraine, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói rằng một số công dân Pháp đang chiến đấu trong quân đội Ukraine với tư cách tình nguyện viên.

Theo một bộ tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ năm ngoái, các đặc nhiệm của lực lượng đặc nhiệm Anh, Pháp và Mỹ cũng đã hoạt động tích cực trong khu vực xung đột.

Washington không xác nhận hay phủ nhận bất kỳ thông tin nào trong các tài liệu bị rò rỉ, nhưng đã tiến hành một cuộc điều tra và tuyên bố sẽ xem xét ai có quyền truy cập thông tin đó.

Cuối năm 2022, một ấn phẩm của quân đội Anh thừa nhận rằng hơn 300 Thủy quân lục chiến Hoàng gia đã tham gia vào "các hoạt động bí mật trong một môi trường cực kỳ nhạy cảm và có mức độ rủi ro chính trị và quân sự cao" ở Ukraine.

Phát ngôn mới nhất của Tổng thống Pháp Macron làm dấy lên đồn đoán rằng một số nước phương Tây sẽ công khai đưa quân đến Ukraine trong thời gian tới.

Điện Kremlin cảnh báo, nếu kịch bản này xảy ra, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng bác bỏ khả năng đưa quân đến Ukraine.

"Ngay từ đầu, chúng ta đã thỏa thuận là sẽ không có bộ binh, binh sĩ nào của châu Âu hay của các thành viên NATO trên lãnh thổ Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

Về phía Pháp, Ngoại trưởng Stephane Sejourne dường như muốn làm rõ hơn phát ngôn của Tổng thống Macron. Ông nói, Pháp có thể điều quân đến Ukraine để phục vụ những nhu cầu cụ thể chứ không phải tham chiến chống lại Nga.

Ý tưởng đưa quân vào Ukraine xuất hiện trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba. Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá tình hình trên chiến trường Ukraine "vô cùng nghiêm trọng" do quân đội Ukraine cạn kiệt đạn dược.

"Tình hình hiện nay cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi đã chứng kiến quân đội Ukraine ở tiền tuyến không có đủ đạn dược cần thiết để đẩy lùi lực lượng Nga. Họ vẫn còn xe bọc thép, vũ khí và đạn dược nhưng phải hạn chế sử dụng vì quốc hội Mỹ chưa thông qua gói viện trợ mới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết.

Theo RT, Pravda

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày