Trong những tháng gần đây, ngày càng nhiều người thể hiện sự lạc quan và tin tưởng vào tương lai của châu Âu.
Tuy nhiên, cảm giác bất mãn vẫn phổ biến ở châu lục này và các chính phủ không nên lờ đi lời kêu gọi thay đổi của một bộ phận lớn người dân.
Trong bài phát biểu vào ngày 13/9 vừa qua, chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nói sau tình trạng bất ổn gần như liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn câu, các dữ liệu kinh tế tích cực hơn và các cuộc bầu cử gần đây nhất ở Pháp và Hà Lan đã giúp thúc đẩy yếu tố lạc quan trên toàn Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, cảm giác bất mãn vẫn phổ biến ở châu lục này và các chính phủ không nên lờ đi lời kêu gọi thay đổi của một bộ phận lớn người dân. Châu Âu có cơ hội giải quyết những thách thức của mình bằng cách thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ và tầm nhìn táo bạo cho các thế hệ tương lai. Châu lục này cần phải phát triển dựa trên đà tích cực này, trong khi nhận ra sự cấp bách và thời điểm then chốt cho một chương mới trong lịch sử châu Âu.
Trong quá trình phát triển chương trình cải cách, châu Âu cần phải xem xét 5 thách thức quan trọng cần được giải quyết.
1. Tiến tới một nền kinh tế tập trung vào con người
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, 8/10 nền kinh tế cạnh tranh nhất ở châu Âu là các quốc gia thành viên tới từ Tây Bắc Âu, 2 vị trí còn lại thuộc về Thụy Sĩ và Na Uy. Các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng của EU và mong đợi tăng trưởng GDP 2%/năm trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, cuộc suy thoái kép ở châu Âu giai đoạn 2007 – 2008 và 2012 – 2013 đã cho thấy những điểm yếu và không cân xứng về kinh tế ở các nước châu Âu cũng như sự bất bình đẳng ở bên trong và giữa các quốc gia.
Thu nhập giảm tác động đặc biệt nghiêm trọng lên những lao động trẻ tuổi và tay nghề thấp ở châu Âu, trong khi đó, các công ty châu Âu đã tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu về áp dụng kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Châu Âu cần xây dựng vai trò lãnh đạo toàn cầu thông qua việc bảo vệ lợi ích của công dân, bảo vệ đạo đức và pháp lý cho người tiêu dùng và người lao động, và đảm bảo chất lượng cuộc sống cao.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, châu lục này cũng nên tận dụng các cơ hội liên quan đến kỹ thuật số như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua số hóa và tự động hóa, đồng thời đảm bảo lợi ích được chia sẻ công bằng trong xã hội.
2. Quản lý di cư và biên giới
Di cư là một phần không thể tách rời trong câu chuyện thành công của châu Âu, nhưng làn sóng tị nạn mới nhất đã cho thấy hạn chế của phương pháp tiếp cận biên giới mở ở châu Âu và dẫn đến những mối lo ngại về an ninh, căng thẳng xã hội và phản ứng dân túy mạnh mẽ ngày càng gia tăng.
Dòng nhập cư không kiểm soát lao động có trình độ thấp, những người không hòa nhập vào lực lượng lao động, tiếp tục diễn ra có thể gây áp lức lớn lên hệ thống phúc lợi công cộng. Chủ nghĩa dân tộc và chống lại di dân cũng có thể tăng lên. Do đó, việc cải thiện dòng người nhập cư vào châu Âu và hội nhập thành công họ vào xã hội là rất cần thiết cho sự gắn kết chính trị và thịnh vượng kinh tế của châu Âu.
3. Dẫn đầu về tính bền vững toàn cầu
Các chính phủ, doanh nghiệp và công dân châu Âu đã nhận ra rằng phát triển kinh tế và năng lượng bền vững có thể gắn kết chặt chẽ với nhau.
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp có thể thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng ở châu Âu, trợ giúp công nghiệp và khuyến khích năng lượng, cũng như giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Những công dân châu Âu, đặc biệt là những người trẻ tuổi, muốn có một chương trình hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
4. Xử lý các mối đe dọa an toàn của công dân
Trong 60 năm qua, sự hợp tác và hội nhập ở châu Âu đã giảm mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên và góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Áp lực cắt giảm ngân sách quốc phòng do chính sách thắt lưng buộc bụng gần đây đã giảm bớt, nhưng rất ít quốc gia đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO.
An ninh mạng không có đủ nguồn lực do không coi đó là một mối đe dọa an ninh cơ bản và chấp nhận các rủi ro một cách thụ động. Thêm vào đó, châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng địa chính trị gia tăng khi trật tự thế giới ngày càng trở nên đa cực. “Các mối đe dọa lai ghép” xuất hiện khi các cuộc tấn mạng ngày cảng được sử dụng nhiều hơn để chống lại các nền kinh tế, doanh nghiệp và công dân; trong khi chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tiếp tục gia tăng.
Trong khi nhiều người châu Âu phản đối ý tưởng hội nhập mạnh mẽ hơn ở châu Âu, thì đa số người dân lại ủng hộ EU nắm giữ vai trò toàn cầu lớn hơn và ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng.
Với sự tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa các quốc gia như sự thành lập “DARPA châu Âu” (Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến của châu Âu), thì châu lục già hoàn toàn ở vị trí thuận lợi để đảm nhận vai trò toàn cầu lớn hơn về an ninh và quốc phòng.
5. Tìm cách để phù hợp với xu hướng mới, đáng tin cậy và phản ứng nhanh nhạy
Châu Âu và những quốc gia bên trong nó được công nhận rộng rãi là các nước dẫn đầu về nên dân chủ tự do hiện nay. Trong khi đó, trên toàn cầu, vào năm 2015, 72 quốc gia trải qua sự suy giảm về các giá trị dân chủ.
Bản chất truyền thông, thảo luận công khai và tin tức thay đổi đang đặt ra những áp lực mới lên nền dân chủ, và châu Âu đang trải qua sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và độc tài, cũng như sự suy giảm lòng tin của công dân vào thể chế của EU và các chính phủ châu Âu.
Tuy nhiên, châu Âu có thể hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công nghiệp thứ 4 nếu họ đảm bảo tiến bộ công nghệ được sử dụng để giúp các tổ chức trong khu vực nhà nước cung cấp dịch vụ và xác định nhu cầu của người dân hiệu quả hơn.
Tất cả những thách thức này sẽ mất thời gian để giải quyết hết và đòi hỏi những nỗ lực hợp tác, quyết liệt để thúc đẩy một chương trình cải cách mạnh mẽ trên khắp châu Âu. Các chính phủ cần phải nhận ra những nhu cầu khác nhau của các quốc gia đồng thời đảm bảo lợi ích chung và tiến bộ cho tất cả các thành viên của EU.
Theo K Nguyễn / thoidai.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC