Một nam thanh niên tự học tại một học viện ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) thay vì chủ động tìm việc làm - Ảnh: YONHAP
Hãng thông tấn Yonhap dẫn số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho thấy số lượng thanh niên “ngồi không” chỉ trong tháng 7 vừa qua ở Hàn Quốc tăng cao nhất mọi thời đại, đạt 443.000 người, tăng 42.000 người so với tháng 7-2023.
Đáng chú ý, có đến 75,6% người trong số đó không có ý định tìm việc làm và không muốn đi làm.
Theo truyền thông Hàn Quốc, những người trẻ “ngồi không” là những người không có việc làm, không tham gia bất kỳ hoạt động kinh tế nào nhưng không mắc bệnh hiểm nghèo hay nằm trong diện người khuyết tật.
Số lượng thanh niên Hàn Quốc không lao động trong tháng 7 ở các năm tăng liên tục, từ mức 200.000 người được ghi nhận năm 2013 tăng lên đến 402.000 người vào năm 2023.
Kết quả khảo sát về nguyên nhân không muốn đi làm của Yonhap cho thấy, phần lớn người trẻ cho rằng họ không chủ động tìm việc vì “chẳng có công việc nào phù hợp với nguyện vọng và mong muốn cá nhân”.
18,7% người tham gia khảo sát của Yonhap cho biết họ không tìm việc làm vì trước đây họ đã cố gắng tìm việc nhưng vẫn không có nơi nào tuyển dụng.
Ngoài ra, 13,4% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ không đủ trình độ học vấn và kinh nghiệm, 11,1% không tìm được công việc gần nhà.
Trước đó, một thống kê được công bố hồi giữa tháng 7 của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc tiết lộ người dưới 30 tuổi ở xứ sở kim chi mất trung bình 11,5 tháng để có việc làm sau khi tốt nghiệp, chạm mốc kỷ lục thời gian tìm việc dài nhất trong 20 năm qua.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia ghi nhận mức độ cạnh tranh việc làm khốc liệt nhất tại khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế nước này, một nguyên nhân khác khiến số lượng thanh niên không đi làm luôn có xu hướng tăng dần qua từng năm là do kỳ thi tuyển dụng viên chức chính quyền địa phương diễn ra cùng thời điểm tiến hành các khảo sát.
Vì thế, những người chuẩn bị tham gia kỳ thi bị tính vào nhóm người thất nghiệp.
Đặc biệt, rất nhiều người trẻ đặt hết hy vọng vào các kỳ thi công chức với mong mỏi có được một công việc ổn định, công bằng với các đãi ngộ tương xứng.
UYÊN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC