Vì sao Thủ tướng Đức tặng Trung Quốc bản đồ không có Hoàng Sa?

Một tấm bản đồ cổ về Trung Quốc mà Thủ tướng Đức tặng ông Tập Cận Bình nhân dịp ông thăm châu Âu đang trở thành chủ đề tranh luận khi nó mâu thuẫn với cách người Trung Quốc nhìn nhận về những ranh giới lịch sử.

Vì sao Thủ tướng Đức tặng Trung Quốc bản đồ không có Hoàng Sa? - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ Trung Quốc thế kỷ 18. Ảnh: Getty Images

Trong bữa tiệc tối 28/3, bà Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc tấm bản đồ vẽ năm 1735 được in tại Đức. Tác giả là họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville. Bản đồ cổ là một phần trong hàng loạt tác phẩm của d’Anville, dựa trên các thông tin thu thâp được của những nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc.

Đây là món quà hoàn hảo cho một thượng khách tới thăm? Có thể là như vậy. Nhưng kể từ khi nó được trao đổi, các trang mạng Trung Quốc đã tranh luận gay gắt về món quà này. Rằng tại sao bà Merkel lại chọn lựa đặc biệt như vậy? Thông điệp gửi gắm là gì?

Với sinh viên chuyên ngành sử Trung Quốc, thời gian ra đời tấm bản đồ rất dễ nhận thấy. Đó là lúc hoàng kim của triều đại nhà Thanh, nhất là khi Càn Long lên nắm quyền. Ông chủ trương cuộc mở rộng quân sự về phía Tây và Bắc. Nhưng sau khi ông qua đời năm 1799, giai đoạn lụi tàn của triều đại này cũng bắt đầu.

Tiếp theo là các ranh giới. Bản đồ 1735 của d’Anville có chú thích bằng chữ Latinh có nghĩa là “Trung Quốc chuẩn” cho thấy chủ yếu là vùng dân cư người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ hay Mãn Châu. Biên giới phía Nam kéo dài đến sát đảo Hải Nam.

Và tất nhiên, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không hề có trong bản đồ này.

Vì sao Thủ tướng Đức tặng Trung Quốc bản đồ không có Hoàng Sa? - 1

Tấm bản đồ cổ. Ảnh: Foreign Policy

Một công dân mạng Trung Quốc bình luận, tấm bản đồ quà tặng là “cái tát” từ bà Merkel. “Chúng tôi luôn được nói rằng, một số khu vực là phần không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại, nhưng Merkel nói với chúng tôi là thậm chí ở thế kỷ 18, những khu vực này vẫn không thuộc về Trung Quốc”.

Số khác thì lý luận, đó là do người vẽ bản đồ, và Thủ tướng Merkel “không có ý gì đặc biệt”. “Thời điểm đó, các nhà truyền giáo không được phép đi tới những vùng này”.

Khác lạ là, khi tin tức về tấm bản đồ lan rộng ở Trung Quốc, bằng cách nào đó nó lại biến ra khác biệt. Rất nhiều báo chí Trung Quốc khi đưa tin về món quà của bà Merkel đã đưa ra tấm bản đồ thể hiện rõ một đế chế ở thời đỉnh cao với lãnh thổ gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và nhiều vùng rộng lớn của Siberia.

Theo tạp chí Foreign Policy, đây là tấm bản đồ của hoạ sĩ người Anh John Dower, được công ty Henry Teesdale & Co. tại London xuất bản năm 1844 và chắc chắn không phải là món quà mà Thủ tướng Đức tặng ông Tập. Tuy nhiên, sai sót này không được giải thích.

Cả hai phiên bản quà tặng của bà Merkel đều xuất hiện trên những phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc đem lại những đánh giá khác nhau. Hạo Kiên,một phóng viên tài chính nói rằng, tấm bản đồ “là món quà khá khó xử”. Tác giả Hiếu Trình thì chỉ trích bà Merkel cố “hợp pháp hóa các phong trào đòi độc lập của Tây Tạng, Tân Cương”. Còn kiến trúc sư Lưu Côn bình luận: “Người Đức chắc chắn có động cơ phía sau”. Một người khác thì hỏi: “Tại sao có thể thế này? Tây Tạng, Tân Cương ở đâu? Ông Tập phản ứng thế nào?”.

Thái An theo Time, Foreign Policy


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày