Vì sao người Đức không còn “chuộng” ô tô như trước?

Nước Đức được xem là cái nôi của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Thế nhưng trong một bài viết mới đây, CNN cho biết, ô tô hiện không còn là mối quan tâm lớn nhất của người dân Đức.

Không còn là “gà đẻ trứng vàng”

Đức chính là quê hương của những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô, như: Volkswagen, BMW và Daimler-Benz. Số liệu của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức cho biết, trong năm 2017, nước này đã sản xuất 5,5 triệu ô tô.

Tại Đức, ngành công nghiệp ô tô tạo ra việc làm cho hơn 820.000 người và đóng góp khoảng 20% sản lượng công nghiệp cho đất nước.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Đức không còn là “gà đẻ trứng vàng”. Theo CNN, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức năm 2018 giảm cũng vì doanh số bán ô tô tụt dốc, khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu suýt rơi vào tình trạng suy thoái.

Nguyên nhân doanh số bán xe ô tô của Đức giảm mạnh được CNN chỉ ra một phần do mối lo ngại về biến đổi khí hậu, trong đó có vụ “Dieselgate”-vụ bê bối gian lận khí thải của hãng xe Volkswagen.

Theo đó, cuối năm 2015, nhà chức trách Mỹ phát hiện Volkswagen sử dụng một phần mềm để giúp các xe ô tô chạy bằng dầu diesel phát thải quá mức quy định vượt qua các bài kiểm tra chất lượng không khí mà không bị phát hiện.

Các cuộc điều tra tiến hành sau đó chỉ ra khoảng 11 triệu xe chạy bằng dầu diesel trên toàn thế giới, trong đó 600.000 chiếc ở Mỹ phát thải gấp 40 lần so với mức cho phép, song đã được che giấu trong các cuộc kiểm tra. Volkswagen đã tổn thất hơn 27 tỷ USD vì trả tiền phạt, các thỏa thuận kiện tụng và bồi thường môi trường liên quan tới vụ bê bối này.

132 1 Vi Sao Nguoi Duc Khong Con Chuong O To Nhu Truoc

Đến năm 2020, Volkswagen dự kiến vẫn sẽ tổn thất hơn 1 tỷ USD liên quan tới vụ bê bối khí thải từng làm rung chuyển ngành sản xuất ô tô này.

Thích iPhone hơn ô tô

Trong khi sản xuất năng lượng đến nay vẫn là thủ phạm chính, các phương tiện giao thông được xem là thủ phạm thứ hai phát thải khí CO2 trên toàn cầu. Tạp chí Wirtschaftswoche cho biết, chính lãnh đạo của Volkswagen đã khẳng định, tỷ lệ khí thải CO2 của phương tiện do hãng này sản xuất là 1% cho ô tô và 1% cho xe tải trong tổng lượng khí thải toàn cầu. Số liệu của Dự án Carbon toàn cầu cho biết lượng khí thải của toàn bộ nước Đức chiếm gần 2,2% lượng CO2 toàn cầu, tương đương với 800 triệu tấn và xếp thứ 6 trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, theo CNN, nhiều người dân Đức đã từ bỏ thói quen sử dụng ô tô cá nhân. CNN dẫn kết quả cuộc thăm dò mới đây của kênh truyền hình quốc gia Đức ARD cho thấy 48% số người Đức được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay.

Trong một cuộc tranh luận với Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmeier mới đây, Luisa Neubauer, 23 tuổi, lãnh đạo Fridays For Future tại Đức (phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên kêu gọi chung tay chống biến đổi khí hậu), cho rằng tương lai của thế hệ trẻ đang bị xem nhẹ hơn với các doanh nghiệp như Volkswagen.

“Giới trẻ bây giờ tham gia nhiều hơn vào việc số hóa. Họ gần như vui vẻ hơn nếu nhận được quà tặng là một chiếc iPhone đời mới nhất so với một chiếc ô tô… Phần lớn người dân hiện đã nhận ra rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất. Khi thế giới hướng tới việc giảm khí thải, các nhà sản xuất ôtô đã phải thay đổi mô hình cũ của họ. Họ phải từ bỏ các dòng xe cũ. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc sản xuất xe hoàn toàn chạy bằng điện”, ông Ferdinand Dudenhoeffer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô tô tại Đại học Duisburg-Essen nhận định với CNN.

Chia rẽ

Trên thực tế, cuối năm 2018, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận đồng ý cắt giảm 37,5% lượng khí thải CO2 từ ô tô mới vào năm 2030.

Điều đó cũng đồng nghĩa khoảng 1/3 số ô tô mới tại châu Âu sẽ chạy bằng điện hoặc hydro vào năm 2030. Trong Kế hoạch Hành động khí hậu năm 2050, Chính phủ Đức khẳng định sẽ giảm 95 triệu tấn khí thải từ các phương tiện giao thông đến năm 2030.

Trong khi công chúng quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu, người dân Đức lại đang chia rẽ về cách giải quyết vấn đề này.

Một cuộc thăm dò của ARD cho thấy có đến 81% số người được hỏi yêu cầu phải có hành động ngay lập tức để giảm lượng khí thải CO2, song chỉ có 34% ủng hộ các giải pháp chính trị, ví như đánh thuế carbon.

 

HOÀNG VŨ

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày