Ukraine nói rất rõ vì sao nước này muốn có xe tăng chiến đấu.
Kyiv khẳng định rằng xe tăng có thể tạo ra khác biệt - rằng sẽ giúp đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ Ukraine và trao quyền chủ động cho Kyiv.
Đức sản xuất phần lớn xe tăng hạng nặng hiện đại ở châu Âu - loại tăng Leopard 2. Khoảng 2.000 xe tăng này được phân bổ giữa các đồng minh châu Âu. Và Đức nắm giữ tất cả các giấy phép xuất khẩu.
Vì thế, dù những nước khác như Ba Lan mong muốn cung cấp xe tăng cho Ukraine càng sớm càng tốt, họ đã bị ngăn cản vì thiếu đèn xanh tái xuất từ Berlin.
Tất nhiên, các binh sĩ Ukraine vẫn cần được đào tạo về cách sử dụng các phương tiện này, và không rõ có bao nhiêu xe tăng và bao giờ chúng có thể đến Ukraine.
Nhưng sự do dự kéo dài của Berlin, dẫn đến áp lực rất lớn giữa các đồng minh phương Tây, cho đến nay vẫn rất muốn thể hiện tinh thần đoàn kết kiên quyết trước sự xâm lược của Nga.
Olaf Scholz: NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS
Sự do dự của Thủ tướng Scholz cũng đã chia rẽ đất nước của ông, bao gồm cả liên minh cầm quyền và thậm chí Đảng Dân chủ Xã hội của chính ông.
Điều gì đã khiến Olaf Scholz lo ngại đến vậy?
Điều quan trọng to lớn là sức nặng của lịch sử mà các nhà lãnh đạo Đức thời hiện đại cảm nhận được.
Thứ Sáu này là Ngày tưởng niệm Holocaust. Một tấm biển lớn tuyên bố "Chúng tôi sẽ không quên" được treo tại Reichstag, trụ sở hạ viện ở Berlin.
Là kẻ xâm lược trong hai cuộc chiến tranh thế giới, nhiều người Đức cảnh giác với việc trở thành nhà cung cấp xe tăng chiến đấu chính ở Ukraine.
"Zeitnewende" hay "bước ngoặt" ở Đức, được Thủ tướng Scholz công bố ngay sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Berlin hứa sẽ đầu tư ồ ạt vào quân đội lạc hậu, và đảm nhận vai trò quyết đoán hơn nhiều trong phòng thủ châu Âu.
Kể từ Thế chiến thứ hai, Berlin đã miễn cưỡng nắm quyền dẫn đầu, nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng minh lại mong Đức làm thế.
Quay trở lại cuộc tranh luận về xe tăng, một vấn đề nhạy cảm khác cho Đức là những chiếc Leopard 2 của họ sẽ được sử dụng để chống lại binh lính Nga.
Nước Đức cảm thấy phải chịu trách nhiệm sâu sắc về việc tàn sát hàng triệu người Nga trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai.
Một vấn đề xa hơn, là phần lớn xã hội Đức - đặc biệt là ở phía đông cộng sản trước đây của đất nước, nơi nhiều người bày tỏ sự thất vọng về cách vận hành của xã hội phương Tây - cảm thấy gần gũi với Nga theo truyền thống.
Trong một cuộc khảo sát ngay trước lễ Giáng sinh, 40% người Đức tham gia nói rằng họ hiểu việc Điện Kremlin đổ lỗi cho phương Tây về cuộc xâm lược Ukraine - vì sự mở rộng về phía đông của liên minh quân sự Nato.
Vì thế, Thủ tướng Scholz không muốn Đức hành động một mình, cũng như không muốn trở thành người hỗ trợ trung tâm trên mặt trận xe tăng chiến đấu với Ukraine.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Xe tăng Leopard của Đức
Một mối lo ngại khác của Đức là, trong khi Anh, Ba Lan và Hà Lan nói rằng Điện Kremlin đang làm leo thang cuộc xung đột, thì nhiều người Đức sợ việc cung cấp xe tăng hạng nặng và các vũ khí tấn công khác cho Ukraine có thể đẩy Vladimir Putin ra tay. Kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Người ta cho rằng một trong những lý do khiến Thủ tướng Scholz thúc giục Washington gửi xe tăng tới Ukraine là để châu Âu có thể cảm nhận được sức mạnh hạt nhân của Mỹ.
Nhìn chung, Olaf Scholz không muốn Đức trở thành nhà cung cấp xe tăng hạng nặng chủ yếu cho Ukraine.
Việc quay đầu đột ngột của Đức có thể là do Thủ tướng nhận ra rằng nếu tiếp tục kìm hãm, thì Đức sẽ bị cô lập giữa các đồng minh.
BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC