Vấn đề người di cư: Đức siết chặt quy định về trợ cấp

Chính phủ Đức đã thông qua dự thảo luật trợ cấp xã hội cho những người di cư trong bối cảnh chính phủ nước này đang chịu nhiều sức ép buộc phải siết chặt quy định về người nhập cư.

Chính phủ Đức đã thông qua dự thảo luật trợ cấp xã hội cho các đối tượng di cư là công dân các nước EU. Ảnh minh họa: TTXVN

Vấn đề người di cư: Đức siết chặt quy định về trợ cấp - 0

Thông tin mới nhất, Chính phủ Đức đã thông qua dự thảo luật trợ cấp xã hội cho các đối tượng di cư là công dân các nước Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh chính phủ nước này đang chịu nhiều sức ép buộc phải siết chặt quy định về người nhập cư. Dự thảo luật cần được Quốc hội Đức thông qua trước khi có hiệu lực.

Dự thảo luật mới của Chính phủ Đức quy định những đối tượng thất nghiệp là công dân EU sau 5 năm sống tại Đức mới được phép nộp đơn xin hưởng trợ cấp. Hồi năm ngoái, tòa án liên bang Đức ra phán quyết cho phép người nước ngoài là công dân EU, trong tình trạng thất nghiệp có thể được hưởng trợ cấp xã hội sau 6 tháng lưu trú tại nước này.

Tuy nhiên, quy định hiện hành này làm dấy lên lo ngại về tình trạng "du lịch phúc lợi xã hội" từ các nước có mức sống thấp vào Đức, cũng như vấp phải sự phản ứng của chính quyền các địa phương vốn đang vật lộn với gánh nặng tài chính do dòng người di cư và tị nạn kỷ lục đổ vào Đức năm ngoái.

Cơ quan liên bang phụ trách vấn đề việc làm của Đức cho biết trong tháng 6/2016, tổng cộng có 474.000 người di cư EU nhận trợ cấp xã hội của Đức, mặc dù không phải tất cả những đối tượng này đều là người thất nghiệp. Những đối tượng xin trợ cấp thất nghiệp ở Đức chủ yếu là công dân mang quốc tịch Ba Lan, Bulgaria và Romania.

Đức hiện là điểm đến được nhiều công dân EU lựa chọn. Theo số liệu báo cáo chính thức, hiện có khoảng 4,1 triệu công dân EU đang sinh sống tại nước này. Tiếp sau đó là Anh với khoảng 3 triệu người EU di cư.

Những lo ngại về vấn đề di cư là yếu tố then chốt dẫn đến quyết định Anh sẽ rời khỏi EU, tuy nhiên, cho đến nay các nước thành viên EU khẳng định một khi rời khỏi "ngôi nhà chung", Anh chỉ có thể tiếp cận thị trường này nếu duy trì thỏa thuận tự do đi lại giữa Anh và các nước thành viên./.

Lan Phương/TTXVN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày