Số liệu thống kê được công bố vào ngày 30/11 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp quốc gia của Đức đã tăng lên 5,6%, từ mức 5,5% trong tháng 10. Các nhà phân tích đã không mong đợi con số này thay đổi so với tháng trước.
“Nhìn chung, thị trường lao động vẫn ổn định”, ông Daniel Terzenbach, người phụ trách các khu vực tại Cơ quan Lao động Liên bang Đức, cho biết trong một tuyên bố. “Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được điều chỉnh theo mùa đã tăng trở lại, tỷ lệ này đối với công việc trong thời gian ngắn cũng đang tăng”.
Báo cáo nhấn mạnh rằng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trên cả nước được ghi nhận ở Bremen (10,4%), ở Berlin (8,9%) và thấp nhất ở Bavaria (3,3%).
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đã tăng lên. (Ảnh: DPA)
Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục, được cho là sẽ rơi vào suy thoái. Người đứng đầu nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ở Landtag của bang North Rhine-Westphalia, Henning Höne, đã tuyên bố vào tuần trước rằng mức sống của người dân Đức có thể giảm mạnh do chính sách năng lượng của Chính phủ bị “thất bại hoàn toàn”.
Quốc gia này đang đứng trước nguy cơ các công ty phải “di cư” ồ ạt do chi phí năng lượng tăng cao, với 1/4 doanh nghiệp Đức được cho là đang cân nhắc chuyển sản xuất sang các nước khác. Theo Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), các công ty đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm giá năng lượng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thậm chí là “ảnh hưởng dư chấn” từ các biện pháp hạn chế cứng rắn chống COVID-19 của Trung Quốc.
Theo VTV
© 2024 | Thời báo ĐỨC