“Tôi đã đến Berlin,” ông Zelensky đăng tweet ngay sau nửa đêm 13/5 sau khi rời Ý, nơi ông đã gặp các quan chức Ý và Giáo hoàng Francis trong ngày hôm đó..
Lần cuối nhà lãnh đạo Ukraine đến thăm Đức để tham dự Hội đồng Bảo an Munich là vào tháng 2 năm ngoái, ngay trước khi chiến tranh nổ ra.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích khi bắt đầu chiến tranh vì phản ứng do dự thiếu quyết đoán. Nhưng nước này đã trở thành một trong những nhà cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraine, vượt qua các cường quốc châu Âu khác như Pháp.
Ngày 13/5, Đức đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 2,7 tỷ euro (3,0 tỷ USD) cho Ukraine, gói viện trợ quân sự lớn nhất kể từ cuộc xâm lược của Nga, đồng thời cam kết hỗ trợ thêm cho Kyiv trong thời gian cần thiết.
Đất nước này cũng đã tiếp nhận khoảng một triệu người tị nạn Ukraine.
Ông Christian Moelling, phó giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cho rằng, ông Zelensky có thể sẽ muốn gặp trực tiếp Thủ tướng Olaf Scholz để xác định rõ cách ông nhìn nhận chiến tranh kết thúc.
“Liệu Đức muốn Ukraine chiến thắng hay chỉ cần thế là đủ để chiến tranh kết thúc?” ông nêu vấn đề. “Điều quan trọng đối với ông Zelensky là được nghe trực tiếp suy nghĩ của thủ tướng.”
Theo ông Moelling, Ukraine cũng có thể nhận thức được sự cần thiết phải thúc đẩy tăng cường hỗ trợ tài chính từ các đồng minh cho họ, khi phải đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại quê nhà.
“Ukraine cần hỗ trợ tài chính để trả nợ để không bị phá sản và Đức đóng một vai trò lớn ở đó,” ông nhận định. “Và Ukraine đang thấy rằng ở Đức, các chủ đề khác đang bắt đầu được ưu tiên.”
Một cuộc khảo sát của Ipsos hồi tháng 1 cho thấy, tỷ lệ người Đức tin rằng nước này không đủ khả năng hỗ trợ tài chính cho Ukraine do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã tăng 9 điểm phần trăm lên 56%.
Cuộc khảo sát đó cũng cho thấy sự ủng hộ của Đức đối với việc tiếp nhận những người tị nạn mới từ Ukraine và cung cấp hỗ trợ quân sự đã giảm xuống.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
© 2024 | Thời báo ĐỨC