Trung Quốc thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp Đức

Tại Đức, xu thế các ông lớn nhà giàu Trung Quốc thâu tóm những nhà máy, doanh nghiệp sản xuất địa phương ngày càng mạnh mẽ. Lý do Trung Quốc bắt đầu đổ tiền vào những doanh nghiệp Đức

132 1 Trung Quoc Thau Tom Hang Loat Doanh Nghiep Duc

Foto: Tập đoàn điện máy gia dụng Midea của Trung Quốc thâu tóm nhà sản xuất robot Kuka với giá 5 tỉ USD. Ảnh: EPA

Romaco là một công ty của Đức chuyên về công nghệ đóng gói hàng hóa. Romaco đang rơi vào thời kỳ khó khăn về tài chính và cần một nhà đầu tư. Romaco đã nhận được 150 triệu EUR tiền đầu tư từ một tỷ phú Trung Quốc, ông Yue Tang.

Ông Yue Tang còn hứa hẹn, các sản phẩm của Romaco khi vào thị trường Đức sẽ được mở rộng cửa và các quy trình sẽ dễ dàng hơn. Tại quê hương Trung Quốc, ông Tang cũng là chủ một doanh nghiệp đóng gói. Mục đích của ông lần này không chỉ là thâu tóm mà còn là kết hợp để mạnh hơn.

Sau thương vụ này, mọi quyết định của công ty Romaco sẽ phần lớn được quyết định bởi phía Trung Quốc.

Lý do Trung Quốc bắt đầu đổ tiền vào những doanh nghiệp Đức chính là kế hoạch "Made in China 2025", biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ và sản xuất, thay vì chỉ copy, làm nhái của các nước khác như trước kia.

Mua lại một doanh nghiệp nước ngoài đồng nghĩa với việc Trung Quốc nhanh chóng nắm trong tay những kỹ thuật khoa học, kết quả của hàng chục năm nghiên cứu. Còn về phía đối tác, đôi khi sát nhập với một công ty Trung Quốc, là cách nhanh nhất để một công ty châu Âu có thể đặt chân vào Trung Quốc mà không phải trải qua những quy trình thủ tục giấy tờ phức tạp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường vẫn lo ngại về động cơ của các công ty Trung Quốc khi thâu tóm hàng loạt như thế này.

Nhưng trước mắt, với tốc độ đầu tư 10 tỉ USD/năm vào Đức, các doanh nghiệp tại đây vẫn sẵn lòng đón chào những ông chủ Trung Quốc mới.

Các doanh nghiệp Đức đang mong muốn một sân chơi bình đẳng

Việc các công ty Trung Quốc và Hồng Kông sáp nhập và mua lại các công ty Đức đã đạt tới mức cao nhất trong năm 2017 với 69 thương vụ thành công, tăng 18 thương vụ so với năm 2011. Giá trị đầu tư của các công ty Trung Quốc vào các công ty Đức cũng tăng từ 800 triệu USD trong năm 2011 lên gần 9 tỉ USD trong năm 2016. Thương vụ đáng chú ý nhất là vụ thâu tóm nhà sản xuất robot Kuka của tập đoàn điện máy gia dụng Midea của Trung Quốc với giá gần 5 tỉ USD trong năm đó.

Ngoài Kuka, trong 2 năm qua, các công ty Trung Quốc đã thu mua các công ty đầu ngành ở Đức như công ty dược phẩm Biotest Pharmaceuticals và mua lại số cổ phần quan trọng của các doanh nghiệp được biết đến là biểu tượng của Berlin như ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Âu Deutsche Bank và nhà sản xuất ô tô Daimler, chủ sở hữu thương hiệu Mercedez-Benz.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về công nghệ hiện đại vốn được xem như xương sống của nền kinh tế Đức giờ đây đang trở nên dễ bị tổn thương nhất vì các khoản đầu tư tới từ Bắc Kinh.

"Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc tự giới thiệu mình là các công ty tư nhân, nhưng sự liên kết của họ với các cơ quan chính phủ lại khá mạnh. Trong khi đó, các nước EU vẫn rất khó tiếp cận với thị thường Trung Quốc", ông Christian Dreger đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế Đức phân tích, đồng thời chê trách việc Trung Quốc không sẵn lòng đáp lại những khoản đầu tư từ nước ngoài vào thị trường trong nước.

Trong khi đó, Philippe Le Corre chuyên gia về Trung Quốc cho rằng chính những bí ẩn xoay quanh các mối liên hệ của các công ty Trung Quốc đang dần phá hủy hình ảnh của họ ở Đức, lý do vì sao có tới 53% dân số Đức tỏ rõ họ không ưa Bắc Kinh.

Nghị viện châu Âu hồi tháng 5.2018 đã thông qua đề xuất mở rộng danh sách “các lĩnh vực quan trọng” trong đó Ủy ban châu Âu được phép can thiệp trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các công ty trong khối.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Đức lại không đồng thuận với chính sách này, họ muốn đất nước của mình tránh xa chủ nghĩa bảo hộ.

"Chúng tôi không muốn chính phủ Đức quyết định liệu một công ty thuộc sở hữu gia đình có nên được mua lại bởi một công ty Trung Quốc hay không", Friedolin Strack, Giám đốc Điều hành Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức tại BDI, liên đoàn công nghiệp chính của Đức cho biết.

Thay vào đó, ông này cho rằng giải pháp nằm ở việc chính phủ phải tạo áp lực buộc Trung Quốc mở cửa thị trường của họ để tạo ra một sân chơi bình đẳng.

vietnambiz.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày