Trump gieo mâu thuẫn vào bà Merkel khi nói người Đức "xấu, rất xấu''

"Người Đức tệ, rất tệ... Hãy nhìn xem có hàng triệu ôtô Đức bán cho người Mỹ. Chúng tôi sẽ ngăn điều đó lại" - ông Trump phát biểu khá gay gắt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gieo mâu thuẫn vào bà Merkel khi nói người Đức "xấu, rất xấu''.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gay gắt phát biểu trước các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh NATO, đang diễn ra tại thành phố Brussels (Bỉ) rằng người Đức rất tệ.

Nguồn tin có mặt tại cuộc gặp tiết lộ với tờ báo Đức Der Spiegel thông tin trên.

Tờ báo Đức cho rằng, trong khi lãnh đạo các quốc gia trong nhóm G7 đang rất khó khăn trong việc trao đổi về thương mại và biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ đã nói với các lãnh đạo EU rằng người Đức “xấu, rất xấu”.

Trump gieo mâu thuẫn vào bà Merkel khi nói người Đức xấu, rất xấu - 0

Ông Trump nói người Đức rất tệ?

Tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung nói rằng các đại diện của châu Âu cảm thấy đối tác Mỹ không hiểu rằng EU đàm phán các thỏa thuận thương mại với tư cách một thực thể duy nhất, thay vì giữa quốc gia với quốc gia. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với toàn bộ châu Âu, chứ không phải với từng thành viên riêng rẽ của EU.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn đã tìm cách làm rõ tình huống đã xảy ra hôm 26/5, lưu ý việc Tổng thống Mỹ “đã nói họ rất tồi trong thương mại, và ông ấy không có vướng mắc nào với Đức cả”.

Ông Cohn cũng nhấn mạnh, Donald Trump đã lưu ý rằng “bố của ông ấy là người Đức” và “Tôi chả có vấn đề gì với nước Đức cả. Vấn đề của tôi là với thương mại của Đức”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bình luận cho rằng Tổng thống Mỹ không “ác ý” trong bình luận của mình và phàn nàn các báo cáo đã “phóng đại” sự việc.

Hãng tin AP bình luận, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nhắm mục tiêu vào sự thành công của thương mại Đức.

Theo tiết lộ của một quan chức Đức với tờ Times of London, khi thăm Nhà Trắng hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải giải thích hàng chục lần với nhà lãnh đạo Mỹ về việc các thỏa thuận tự do thương mại của EU được đàm phán như thế nào.

“Ông Trump đã hỏi bà Merkel cả chục lần rằng liệu ông có thể đàm phán một thỏa thuận thương mại với Đức. Lần nào bà ấy cũng đáp rằng: ‘Ông không thể có thỏa thuận thương mại với Đức, chỉ với EU được thôi’”, vị quan chức nói. “Sau lần từ chối thứ 11, ông Trump cuối cùng đã hiểu ra vấn đề, ‘Ồ, vậy thì chúng tôi sẽ đàm phán thỏa thuận với châu Âu vậy’”.

Hồi tháng 1, ông Trump đã dọa đánh thuế 35% đối với xe hơi Đức nhập khẩu vào Mỹ. “Nếu các bạn muốn sản xuất xe hơi trên thế giới, thì tôi xin chúc các bạn may mắn. Các bạn có thể sản xuất xe để bán sang Mỹ, nhưng đối với mỗi chiếc xe vào Mỹ, các bạn sẽ phải đóng thuế 35%”, người đứng đầu Nhà Trắng nói khi đó.

“Tôi sẽ nói với BMW rằng nếu các ông định xây nhà máy ở Mexico để sản xuất xe bán sang Mỹ, thì các ông phải đóng thuế 35%. Nếu không, các ông có thể quên việc này đi”.

Lời cảnh báo mới của ông Trump nhằm vào ngành công nghiệp ôtô Đức được ông đưa ra trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Theo tờ Der Spiegel, ông Juncker đã bênh vực Đức.

Nhật Bản, Đức với hàng loạt hãng xe hơi danh tiếng bị ông Trump công kích nhiều nhất bởi lượng tiêu thụ xe hơi tại Mỹ của hai hãng này hiện áp đảo các thương hiệu nội địa.

Giảm giá trị thâm hụt thương mại là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tổng thống Mỹ. Trong 2016, trong khi Đức đạt mức thặng dư 270 tỷ USD, Mỹ ở chiều ngược lại khi thâm hụt 500 tỷ USD, theo CNN Money.

Trong nhiều năm qua tại Mỹ, ôtô Nhật Bản thống trị ở phân khúc xe phổ thông, trong khi người Đức không có đối thủ ở mảng xe sang với bộ ba danh tiếng Mercedes, BMW, Audi.

Trump gieo mâu thuẫn vào bà Merkel khi nói người Đức xấu, rất xấu - 1
Xe Đức không có đối thủ ở Mỹ. Ảnh: Carscoops.

Donald Trump cho biết ông muốn thương mại phải cân bằng, công bằng và tự do để đem lại lợi ích cho công nhân và các nhà máy của Mỹ. Ông tập trung vào mối quan hệ nơi người Mỹ mua nhiều hơn bán tại các thị trường đối tác.

Donald Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ chống lại các thỏa thuận trước đó của G7 nhằm “đấu tranh chống lại mọi hình thức chủ nghĩa bảo hộ”.

Các bộ trưởng tài chính G7 đã nhóm họp tại Bari, Ý hồi đầu tháng 5 và chỉ mới thống nhất duy nhất một điều là họ sẽ “cùng làm việc để thúc đẩy mạnh mẽ sự đóng góp của thương mại đối với các nền kinh tế thành viên”.

Không chỉ là vấn đề kinh tế,  mối quan hệ Mỹ - Đức trong năm nay đã trở nên khó khăn, khi chính sách của ông Trump dường như đi ngược lại hoàn toàn những mong muốn từ phía Berlin.

 

Vũ Huy - Báo Đất Việt

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày