Trong một cuộc đột kích cuối tháng 4-2017, cảnh sát ở Hamburg, Đức đã triệt phá một đường dây trộm xe đạp chuyên nghiệp với việc thu giữ được khoảng 1.500 chiếc xe tang vật. Xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến của Đức nhưng nạn trộm xe đạp cũng là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với cảnh sát nước này.
Nhiều xe tải được tập kết để chở số xe đạp bị lấy cắp ra khỏi nhà kho ở khu vực Rothenburgsort 15 xe tải chở xe tang vật
Đơn vị đặc biệt của cảnh sát Hamburg về trộm xe đạp hôm 25-4 đã huy động 180 nhân viên mở cuộc đột kích vào 4 nhà kho ở khu vực Rothenburgsort được cho là chứa số lượng lớn xe đạp bị đánh cắp. Kết quả là, tổng cộng 1.500 chiếc xe đạp bị thu giữ, từ xe đạp leo núi đến xe thông thường, xe đạp dành cho phụ nữ và trẻ em. Tổng cộng 15 xe tải và một xe nâng đã được điều đến để chở số tang vật ra khỏi nhà kho.
“Cảnh sát đã thành công trong việc triệt phá băng tội phạm trộm xe đạp có tổ chức lớn nhất trong lịch sử Humburg”, tờ DW trích lời người phát ngôn của cảnh sát Hamburg, Timo Zill nói.
Kho hàng nằm trong khu công nghiệp, rất có thể được các tay trộm sử dụng như một điểm thu gom những chiếc xe đạp bị đánh cắp từ Hamburg và miền Bắc nước Đức. Các món hàng bị đánh cắp sau đó được đưa tới Đông Âu bằng xe tải, cảnh sát cho biết.
Trong chiến dịch nói trên, nhà chức trách cũng lục soát 2 căn hộ – một ở Hamburg và một ở thành phố phía tây Essen. Cảnh sát đang điều tra 3 người đàn ông tuổi từ 42 đến 44 tuổi, tuy nhiên không tiết lộ chi tiết về nghi phạm.
Trong vụ việc mới nhất này, chỉ riêng việc vận chuyển xe tang vật về nơi tập kết đã mất 2 ngày, bởi vậy, việc phân loại, xác định và trả lại xe đạp bị đánh cắp cho chủ sở hữu dự kiến sẽ kéo dài khá lâu.
Tỷ lệ khám phá đáng lo
Với các làn đường dành cho xe đạp ở khắp mọi nơi, Đức được coi là thiên đường đối với người đi xe đạp. Một cuộc điều tra do Chính phủ đưa ra năm 2013 cho thấy, xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến nhất của Đức. 52% người Đức thỉnh thoảng đi xe đạp, 72% số hộ gia đình có xe đạp với trung bình 2,4 chiếc mỗi hộ.
Tuy nhiên, với trung bình hơn 300.000 chiếc xe đạp bị đánh cắp mỗi năm, tỷ lệ khám phá, thu hồi trên cả nước Đức chỉ vào khoảng 10%. Thậm chí, trong một bài viết trên trang tin Local.de, sỹ quan điều tra Oliver von Dobrowolski của cảnh sát Berlin thừa nhận: “Nói một cách khách quan, tỷ lệ phát hiện ít ỏi chỉ khoảng 4% khiến không ít người lo lắng”.
Trong khi xe đạp bị đánh cắp của cá nhân được bán trên thị trường trôi nổi và trên internet, những băng nhóm trộm xe đạp chuyên nghiệp cũng nhắm mục tiêu vào các khu vực cụ thể. Sử dụng máy cắt bulông để cắt dây khóa, bọn chúng thường lấy đi vài chiếc xe đạp “mỗi mẻ” rồi đưa ngay lên xe tải để không ai kịp phản ứng. “Trong nhiều trường hợp, đây là công việc của một số đường dây tội phạm có tổ chức mà khách hàng ở Đông Âu”, sỹ quan Beatrix Mertens của cảnh sát Magdeburg nói với hãng tin DPA.
Các xe đạp có khóa để ở trước trường học hay ga đường sắt nhiều khả năng bị đánh cắp hơn cả. Những chiếc xe này có xu hướng trở thành nạn nhân của “các tay trộm đơn lẻ muốn kiếm tiền nhanh” khi giá một chiếc xe đạp mới ở Đức trung bình khoảng 658 euro.
Theo cảnh sát Dobrowolski, các vụ trộm ô tô dễ xử lý hơn vì số khung, số máy cùng các bộ phận được mã hóa sẽ giúp họ dễ dàng theo dõi hơn. Trong khi đó, giải quyết nạn trộm xe đạp nan giải hơn bởi một phần lỗi chủ quan của chủ sở hữu, đó là không sử dụng ổ khóa thích hợp hay xe đạp không đăng ký để giúp cho việc tìm lại sau này.
Theo kinh nghiệm của cảnh sát thị trấn Fürth và Erlangen ở Bavaria, nơi có tỷ lệ khám phá các vụ trộm xe đạp tới 30%, đơn vị đặc nhiệm chống trộm xe đạp ở đây phải tăng cường giám sát các “điểm nóng”, đồng thời thâm nhập mạng lưới từ những tên trộm đến nhà phân phối mới mong tìm ra thủ phạm nhiều hơn.