Đội tuyển Đức có điều gì khác biệt?
Một trong những điều được nhắc đầu tiên về bóng đá Đức là tính kỷ luật. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để tuyển Đức trở thành đội bóng đáng gờm ở các giải đấu lớn, dù thời thế có thể thay đổi với việc cạn kiệt nhân tài hay có nhiều ngôi sao lớn trong đội hình của "cỗ xe tăng".
Các cầu thủ Đức được uốn nắn từ rất nhỏ với việc chú trọng về tính kỷ luật. Trong một môi trường đó, không có chỗ cho kẻ nhụt ý chí, không có chỗ cho người ít sự khác biệt và không có chỗ cho cả những kẻ nghiệp dư.
Không chỉ thu hẹp với bóng đá, trong cuộc sống người dân Đức cũng luôn khắc sâu trong tâm niệm của chính mình "Trước khi thắng một ai đó, một điều gì đó, người ta phải thắng được chính mình". Hãy nhìn cách Đức vươn lên từ đống tro tàn sau Thế chiến, nhìn cách họ hòa giải với nhau sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Dân tộc ấy hẳn thật sự văn minh và được giáo dục tốt, ngay từ nhỏ và không chỉ với bóng đá.
Trong đầu tư cũng vậy. Bạn đang đi tìm kiếm lợi nhuận, thực ra cũng giống như cách đội tuyển Đức đi săn bàn thắng vậy. Hãy tuân thủ hoàn toàn kỉ luật đề ra, tập trung tấn công khi đối thủ sơ hở yếu điểm nhất, khả năng sống sót và chiến thắng của bạn mới cao được. Nói tới đây, các bạn cũng thấy chúng ta có cả tỷ điều cần học từ đội bóng này để cải thiện các phương pháp giao dịch ngày một hoàn thiện hơn. Giờ chúng ta hãy cùng nhau khám phá vài điều sau đây…
1. Tuân thủ nghiêm khắc kỉ luật đề ra
Một phẩm chất quan trọng hơn tất cả mọi phẩm chất khác mà các nhà đầu tư (NĐT) nhất thiết phải có là kỷ luật. Khả năng kiểm soát lý trí, cơ thể và cảm xúc của bạn là chìa khóa của giao dịch thành công.
Bạn có thể có kỹ năng phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản tuyệt vời nhất nhưng nếu không có kỷ luật thì sẽ rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được các giao dịch một cách nhất quán và đem lại lợi nhuận. Một NĐT có kỷ luật cho dù có lời hay thua lỗ cũng sẽ quay trở lại và tiếp tục giao dịch. Sớm hay muộn thành công sẽ có ngày chạm đến.
2. Quên đi cái tôi cá nhân to lớn
Cách nhanh nhất để kết thúc sự nghiệp đầu tư của bạn là để cái tôi của mình làm ảnh hưởng đến các quyết định giao dịch. Và bạn càng thành công bao nhiêu thì việc ngăn chặn điều đó sẽ càng trở nên khó khăn bấy nhiêu. Bạn cần phải làm cái tôi của chính mình im lặng để lắng nghe thị trường và làm theo những gì mà những phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản của bạn chỉ ra chứ không phải những gì bạn nghĩ là sẽ xảy ra.
Khi bản thân NĐT có thể để cái tôi của mình sang một bên và bám chặt lấy thị trường, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Nếu tin rằng bạn sẽ thành công bởi vì bạn có những kỹ năng nhất định hoặc bạn đã hiểu rõ thị trường thì lại là con đường gần như chắc chắn dẫn đến thất bại. Nhưng cùng lúc đó, bạn không thể quá yếu mềm về mặt cảm xúc đến mức một vài giao dịch thua lỗ làm tiêu tan hết sự tự tin của bạn.
Khi giao dịch, hãy để cái tôi của mình sang một bên. Hãy cho phép mình thoát khỏi những trạng thái thua lỗ nhanh chóng dù điều đó có nghĩa là bạn đã sai lầm về diễn biến của thị trường. Và khi bạn thành công, đừng bao giờ để nó lấp đầy tâm trí bạn.
3. Hãy hiểu không có những thứ gọi là hy vọng, mong ước hay cầu nguyện một khi bạn đã tham gia vào thị trường chứng khoán
Thị trường sẽ đi lên khi có nhiều người mua hơn người bán và đi xuống khi điều ngược lại xảy ra chứ nó không tăng bởi vì bạn đã ước rằng nó sẽ như vậy và luôn cầu nguyện cho điều đó. Lewis Borsellino đã nói: "Tôi từng thấy quá nhiều nhà đầu tư trong trạng thái nhìn chằm chằm một cách sợ hãi vào màn hình máy tính và cầu nguyện thị trường sẽ diễn biến theo cách này hay cách khác. Họ đang bế tắc trong một trạng thái thua lỗ mà không thoát ra và họ hy vọng, mong ước và cầu nguyện rằng thị trường sẽ đi lên trở lại theo cách họ dự đoán".
Tuy nhiên trên thực tế hiện ra ở màn hình giao dịch. Đa phần mọi chiến thắng trên thị trường chứng khoán đều bắt nguồn tự sự kỉ luật và nỗ lực của chính bản thân NĐT.
4. Đặt ra các ngưỡng chốt quan trọng để phòng bị
Bạn hãy đặt ra ngưỡng nguy hiểm, và một khi đã chạm điểm cắt lỗ này hãy lập tức thoát ra ngoài. Thậm chí nếu đó chỉ là một khoản thua lỗ nhỏ thì cũng đừng chần chừ. Sau đó, hãy đánh giá lại thị trường và thực hiện một giao dịch mới. Đồng thời, hãy học cách để lợi nhuận đang có tăng thêm nữa, nhưng đừng tham lam.
Nếu bạn sử dụng phân tích kỹ thuật, bạn sẽ quyết định điểm tham gia và thoát khỏi thị trường trước khi mua một cổ phiếu. Sau đó, khi dấu hiệu đã được xác nhận, bạn hãy thực hiện giao dịch đã định. Khi đã đạt mục tiêu lợi nhuận, hãy thoát khỏi thị trường. Bạn sẽ không bao giờ phá sản khi chốt lời. Đừng trở nên tham lam và duy trì trạng thái có lời quá lâu, thị trường có thể bất ngờ đảo chiều và để lại sau nó một kẻ thua cuộc.
5. Quý trọng cả thất bại lẫn thành công
Các thương vụ thua lỗ là người thầy tài giỏi nhất của bạn. Chúng cho thấy phân tích và đánh giá của bạn có điều gì đó sai lầm. Hoặc có thể chỉ đơn giản là thị trường đã không diễn biến như những gì bạn suy nghĩ.
Có thể bạn đang tìm kiếm các điểm bứt phá mạnh trong khi thị trường lại chỉ dao động trong một vùng giới hạn. Hoặc có thể bạn đã quá chậm khi theo đuổi một xu hướng vì thực tế là thị trường đã lên tới đỉnh rồi.
Khi có một trạng thái giao dịch thua lỗ, suy đoán của bạn có điều gì đó bất ổn so với diễn biến của thị trường. Vì vậy, hãy xác định một cách khách quan điều đó là gì, sau đó điều chỉnh cách nhìn nhận của bạn một chút nếu cần và quay trở lại giao dịch.
6. Vận dụng mọi kiến thức và kinh nghiệm mỗi khi đưa ra quyết định, không nên phụ thuộc nhiều vào cảm xúc
Nhiều người không biết là họ nên mua, bán, hay nắm giữ, và sự không chắc chắn này cho thấy họ không có đường lối chỉ đạo. Đa số mọi người không tuân theo một kế hoạch đã được chứng minh, một tập hợp những nguyên tắc nghiêm ngặt hay những quy luật mua và bán để dẫn dắt họ đi đúng hướng. Khi quyết định mua hay bán, hãy thật tỉnh táo, sáng suốt và vận dụng kiến thức cùng lí trí của bản thân hơn bao giờ hết./.
Theo Lê Hằng/Trí thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC