Một ngày sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay (15/5) tới Đức, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, với mong muốn tăng cường các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).
Dư luận đều chờ đợi sự phối hợp Pháp- Đức dưới thời ông Macron sẽ khác gì so với thời cựu Tổng thống Francois Hollande.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/Getty)
Cũng giống như người tiền nhiệm Francois Hollande, tân Tổng thống Pháp Macron đã chọn Đức là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Theo các nhà phân tích, đúng như những gì thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Macron tiếp tục dành ưu tiên cho những vấn đề của EU, theo cách mà EU sẽ thúc đẩy nước Pháp và ngược lại nước Pháp cũng thúc đẩy châu Âu.
Trong lễ nhậm chức ngày 14/5, ông Macron một lần nữa nhấn mạnh, với tư cách là Tổng thống Pháp, ông muốn con tàu châu Âu hiện nay và trong tương lai có thể tiến lên.
Trên thực tế, châu Âu luôn là trọng tâm chiến dịch tranh cử của ông Macron, khác xa với sự thận trọng của người tiền nhiệm Francois Hollande, một cựu lãnh đạo đảng Xã hội khi luôn phải tìm cách xoay sở giữa những bất đồng trong nội bộ đảng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2005 về hiệp ước Lisbon về cải cách Hiến pháp châu Âu.
Và cũng khác với những đối thủ của mình luôn đặt trên lưng EU những vấn đề của nước Pháp, một tư tưởng đè nặng lên nước Pháp trong suốt 20 năm qua. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, tân Tổng thống Pháp luôn bảo vệ những thành quả của EU, kêu gọi một sự hội nhập sâu hơn trong những vấn đề được coi là then chốt đối với người dân Pháp như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát biên giới bên ngoài, nền quốc phòng chung, đồng euro hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Thế giới và châu Âu đang cần nước Pháp hơn lúc nào hết. Họ cần một nước Pháp mạnh mẽ luôn tin vào vận mệnh của mình, một nước Pháp có thể thúc đẩy tự do và đoàn kết. Họ cần một nước Pháp có thể biết cách tạo ra tương lai”, ông Macron nói.
Theo các nhà phân tích, nền tảng chính sách châu Âu của ông Macron được thể hiện rõ trong bài phát tại Đại học Humboldt ở thủ đô Berlin, Đức hôm 10/01 vừa qua. Trong đó, ông khẳng định ưu tiên của mình là khôi phục niềm tin trong quan hệ Pháp- Đức để từ đó có thể đưa thâm hụt công lần đầu tiên trong 10 năm xuống dưới ngưỡng 3% GDP, phục hồi việc làm thông qua cải cách thị trường lao động.
Ông Macron cũng mong muốn tại cuộc họp Hội đồng châu Âu vào tháng 6 tới, 27 nước thành viên sẽ thông qua được một lộ trình về những vấn đề mà nước Pháp đang rất quan tâm hiện nay như cải cách khu vực đồng euro hay triển vọng tài chính trong thời gian tới của EU, mà các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ năm sau.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những cam kết hướng tới loại bỏ “những dấu ấn về sự thống trị của Đức” đối với đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu không hề đơn giản, sẽ phải đi kèm giải pháp cho những hồ sơ đang bị bế tắc hiện nay như cải cách quy định về lao động, xây dựng liên minh ngân hàng hay thị trường vốn lớn.
Đây là điều Đức vẫn chưa sẵn sàng đón nhận. Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí không ngần ngại cho rằng về mặt chính trị những ý tưởng của ông Macron về cải cách khu vực đồng euro là "phi thực tế".
Trước thềm chuyến thăm, báo chí Pháp đều nhắc lại chuyến thăm Đức của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 15/5/2012 ngay sau lễ nhậm chức. Khi đó máy bay của ông Hollande đã phải chuyển hướng do thời tiết xấu.
Và trên thực tế, trong nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của mình, ông Hollande đã bỏ lỡ nhiều kế hoạch lớn của châu Âu. Vì thế, giới quan sát đều kỳ vọng một sự khởi đầu suôn sẻ hơn với nước Pháp dưới thời tân Tổng thống Emmanuel Macron nhằm tạo ra một sự thay đổi cho nước Pháp và EU./.
Thu Hoài/VOV
© 2024 | Thời báo ĐỨC