Việc tái phân bổ đã làm thâm hụt ngân sách 60 tỷ euro, ảnh hưởng đến các chương trình tài trợ cho biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng ngân sách đã chia rẽ các đảng phái và cho đến nay chưa có giải pháp ứng phó phù hợp.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (đứng giữa), Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (bên phải) và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck phát biểu trước truyền thông sau cuộc họp nội các chính phủ hàng tuần tại Berlin, Đức. Ảnh: Odd Andersen/AFP
Ngân sách của chính phủ Đức đang gặp khó khăn.
Tuần trước, tòa án hiến pháp đã ra phán quyết về việc tái phân bổ các khoản nợ chưa sử dụng mà ban đầu được chỉ định để tài trợ khẩn cấp cho đại dịch Covid-19 vào ngân sách hiện tại là vi phạm pháp luật. Trong tuần này, Bộ tài chính Đức đã đóng băng các tài khoản đầu tư công ở các bộ.
Tuy nhiên, đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi những rắc rối trong tài chính có thể dẫn đến những rắc rối liên quan tới chính trị, thậm chí ảnh hưởng đến sự sống còn của chính phủ liên bang Berlin. Chính phủ Đức không thể thực hiện được phán quyết ngay trong một sớm một chiều, khi nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng hiện tại đã phát triển trước khi đại dịch xảy ra: trần nợ công.
Nỗ lực duy trì trần nợ công trong hơn một thập kỷ qua
Được thông qua vào năm 2009, chính phủ Đức quy định trần nợ công không được vượt quá 0.35% GDP hàng năm của quốc gia.
Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc giảm nợ đã trở thành nền tảng tài chính quan trọng trong chính sách tài khóa của Đức.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 xuất hiện. Chính phủ đã gánh khoản nợ khẩn cấp để cố gắng ngăn chặn tác động của đại dịch đối với ngân sách của mình thông qua việc tạm dừng trần nợ.
Trên thực tế, chính phủ đã không sử dụng toàn bộ nguồn tài trợ bổ sung. Do đó, chính phủ liên bang hiện tại đã quyết định tái phân bổ số tiền này để tài trợ cho các chính sách nhằm chống biến đổi khí hậu, cũng như phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.
Tự quyết hay không?
Phe đối lập Đức tỏ ra không hài lòng với việc tái phân bổ và quyết định đưa vấn đề lên tòa án hiến pháp Đức. Tuần trước, phán quyết đã được đưa ra như một đòn giáng mạnh vào chính phủ hiện tại, khi tòa án xác nhận nguồn tài trợ khẩn cấp không được phép sử dụng cho các chính sách không liên quan đến đại dịch.
Chính phủ hiện tại dường như đã không chuẩn bị cho phán quyết này, và lúng túng khi trả lời chất vấn từ các đại biểu và báo chí.
Một số nhà quan sát (và một số thành viên Đảng Xanh) cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu cũng mang tính cấp bách như đại dịch. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án vẫn được giữ nguyên, và ngân sách của Đức hiện đang thâm hụt 60 tỷ euro (65 tỷ USD).
Kể từ đó, chính phủ Đức đã nỗ lực hoạch định cho kế hoạch tài chính phù hợp, và trong đầu tuần này, truyền thông Đức đưa tin về việc Bộ tài chính đã loại bỏ khả năng thực hiện bất kỳ khoản chi tiêu bổ sung nào chưa được lên kế hoạch cho năm 2023.
Một liên minh bị chia rẽ
Một yếu tố chủ chốt dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính phủ hiện tại là phạm vi về quan điểm chính trị mà ba đối tác liên minh đang nắm giữ.
Đầu tiên là Đảng Xanh với những người chủ mưu chính đằng sau các kế hoạch chính sách khí hậu hiện đang gặp rủi ro, và do đó, họ có gắn bó mật thiêt với sự thành công của chính sách này. Thứ hai, SPD, những người theo chủ nghĩa Dân chủ Xã hội, sẽ bằng lòng với việc nới lỏng trần nợ hoặc tăng thuế. Và FDP, Đảng Dân chủ Tự do, người kiểm soát bộ tài chính, sẽ không muốn tăng thuế hoặc nâng trần nợ.
Tuy nhiên, theo một ghi chú nghiên cứu được công bố bởi các giám đốc của Eurasia Group Jan Techau, Mujtaba Rahman và Jens Larsen, việc chính phủ tan rã là điều rất khó có thể xảy ra.
Theo phát ngôn của họ, “Sự ổn định của chính phủ không phải là vấn đề đáng lo ngại, và liên minh vẫn có khả năng hoàn thành tốt nhiệm kỳ”.
“Cả ba đảng sẽ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề trong trường hợp phải tổ chức bầu cử sớm (một điều khó có thể xảy ra), khi việc này có thể làm giảm mong muốn thoát ra khỏi thỏa thuận hiện tại. Không thể hình thành thế đa số mới rõ ràng trong quốc hội hiện tại”, họ chia sẻ.
Giải pháp là gì?
Hiện nay, rất ít giải pháp được đưa ra, đặc biệt là những giải pháp có thể thực hiện cho các vấn đề ngay trước mắt, và chính phủ vẫn đang nghiên cứu các kế hoạch nhằm điều chỉnh lại chi tiêu và nguồn tài trợ mà các đối tác liên minh có thể thống nhất.
Vậy còn giải pháp cho lâu dài?
“Một giải pháp rõ ràng cho tình trạng hiện tại là thay đổi hiến pháp,” Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg chia sẻ. Điều này có thể đòi hỏi sự đồng thuận mới với ít nhất một số chính trị gia đảng đối lập cần thiết để đạt được thế đa số 2/3. Điều này đồng nghĩa với việc hiến pháp mới sẽ cần đạt được một số thỏa thuận chính trị và hy sinh cho các chủ đề gây chia rẽ như quy tắc tị nạn.
“Hiện tại, một thỏa thuận như vậy có thể khó xảy ra. Nhưng sau cuộc bầu cử tiếp theo vào tháng 9 năm 2025, một chính phủ (mới) một lần nữa cần bao gồm các bộ phận trung hữu và trung tả có khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy,” Schmieding chia sẻ.
Việc tái thiết lại trần nợ sau cuộc Tổng tuyển cử tiếp theo cũng là một trong những con đường phía trước mà các nhà kinh tế như Christian Schulz, Giada Giani và Benjamin Nabarro của Citi đã dự báo trước. Họ cũng lưu ý rằng những thay đổi dài hạn về cách thức tài trợ của chính phủ Đức có thể được đưa ra.
“Chúng tôi hy vọng phán quyết sẽ thúc đẩy chính phủ xây dựng khoản dự trữ tiền mặt thực tế trong thời gian bình thường, cũng như trong các trường hợp khẩn cấp. Điều này sẽ cho phép chính phủ giải quyết các hậu quả lâu dài của các cuộc khủng hoảng mà không vi phạm việc phá vỡ nợ”, họ chia sẻ trong một báo cáo nghiên cứu.
Và cuối cùng, tiêu chuẩn cho những gì được coi là “tình trạng khẩn cấp” (và do đó cho phép bỏ qua trần nợ) có thể được hạ xuống - và đặt cả vấn đề về khủng hoảng khí hậu vào nhóm khẩn cấp.
CNBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC