Tổng đình công ở Đức khiến giao thông cả nước tê liệt

Khoảng 350.000 nhân viên của liên minh gồm nghiệp đoàn Ver.di cùng Nghiệp đoàn đường sắt và giao thông (EVG) hưởng ứng lời kêu gọi tham gia cuộc đình công trên hầu khắp nước Đức.

1 Tong Dinh Cong O Duc Khien Giao Thong Ca Nuoc Te Liet

Foto: Nhân viên tham gia đình công yêu cầu tăng lương tại sân bay Frankfurt, miền Tây nước Đức, ngày 17/2/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Kể từ 0h00 ngày 27/3 theo giờ Đức bắt đầu diễn ra cuộc tổng đình công trên hầu khắp nước Đức, ảnh hưởng tới giao thông đi lại đối với cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không.

Cuộc đình công có quy mô lớn nhất trong hơn 30 năm qua này ở Đức được cho có nguy cơ khiến giao thông trên cả nước rơi vào hỗn loạn.

Tất cả các loại hình giao thông đều ngưng trệ

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc tổng đình công được tiến hành theo lời kêu gọi của liên minh gồm nghiệp đoàn Ver.di cùng Nghiệp đoàn đường sắt và giao thông (EVG), theo đó khoảng 350.000 nhân viên của hai nghiệp đoàn này sẽ hưởng ứng lời kêu gọi tham gia cuộc đình công.

Đình công sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tàu S-bahn chạy trong thành phố, các tàu vùng và tàu đường dài, tới hầu hết các sân bay cũng như các đường cao tốc.

Việc hủy chuyến hay chậm chuyến sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu hành khách, đặc biệt tại 7 bang ở Đức gồm các bang Hessen, Nordrhein-Westfalen, Baden-Württemberg, Sachsen, Niedersachsen, Rheinland-Pfalz và Bayern.

Công ty đường sắt Deutsche Bahn thông báo phải ngừng tất cả các chuyến tàu vùng và đường dài, trong khi những tác động từ cuộc đình công vẫn có thể ảnh hưởng sang ngày 28/3, tức một ngày sau cuộc đình công chính thức.

Theo công ty Deutsche Bahn, hành khách đã đặt chuyến ngày 27 và 28/3 vẫn có thể sử dụng vé linh hoạt cho đến ngày 4/4, trong khi có thể hủy miễn phí vé đã đặt trong thời gian này.

Không chỉ với hệ thống đường sắt và đường bộ, hệ thống giao thông đường cao tốc và dịch vụ đường thủy cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tuyến đường cao tốc có thể bị phong tỏa và ùn tắc.

Các bến cảng trên hầu hết tuyến đường thủy liên bang sẽ bị đình trệ, thậm chí một số khu vực bị phong tỏa hoàn toàn, trong khi cảng Hamburg sẽ không thể đón các tàu lớn, như tàu container, cập cảng.

Đối với đường không, các sân bay tại Frankfurt, Hamburg, Munich và Stuttgart sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi cuộc đình công chính thức chưa bắt đầu, song từ ngày 26/3, đình công đã ảnh hưởng tới sân bay Munich.

Theo một phát ngôn viên nghiệp đoàn Ver.di, cuộc đình công cảnh báo đã bắt đầu tại sân bay Munich trong ngày 26 và kéo dài đến hết ngày 27/3, ảnh hưởng tới khoảng 200.000 hành khách, ngoại trừ việc cất cánh và hạ cánh đối với các chuyến bay nhân đạo trong các hoạt động khẩn cấp.

Theo hiệp hội sân bay ADV, đình công sẽ ảnh hưởng tới khoảng 380.000 hành khách hàng không.

Tại Berlin, cuộc đình công ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tàu khu vực, tàu đường dài, tàu S-bahn, trong khi hệ thống tàu chạy trên mặt đất (Tram), tàu điện ngầm (U-bahn) và xe buýt không bị ảnh hưởng.

Sân bay BER ở Berlin cũng là một trong số sân bay duy nhất ở Đức không bị tác động bởi cuộc đình công do đã đạt được thỏa thuận tiền lương riêng, tuy nhiên vẫn có khả năng có những chuyến bay nội địa bị ảnh hưởng do tác động từ cuộc đình công ở những sân bay khác.

Nếu không đạt được thỏa thuận, sẽ tiếp tục đình công

Cuộc đình công có quy mô lớn như trên từng xảy ra ở Đức những năm 1990 khi đình công kéo dài trong vài tuần, khiến các phương tiện giao thông khu vực và đường dài cũng như các sân bay trên khắp nước Đức đồng loạt bị đình trệ.

Tuy nhiên, đây là cuộc đình công thông thường, không phải cuộc đình công cảnh cáo như cuộc đình công mới nhất này.

Theo hai nghiệp đoàn Ver.di và EVG, cuộc tổng đình công được tiến hành do không có tiến triển trong các cuộc thương lượng tập thể của hai nghiệp đoàn này với giới chủ.

Ver.di đang tiến hành đàm phán cho khoảng 2,5 triệu nhân viên khu vực công ở cấp liên bang và địa phương, bao gồm cả nhân viên ở bộ phận giao thông công cộng và tại các sân bay.

Nghiệp đoàn này yêu cầu tăng lương thêm 10,5% cho nhân viên, nhưng ít nhất thêm 500 euro/tháng.

Trong khi nghiệp đoàn EVG đang đàm phán cho khoảng 230.000 nhân viên làm việc tại các công ty đường sắt và xe buýt, yêu cầu tăng lương thêm 12%, nhưng ít nhất phải thêm 650 euro/tháng.

Đáp lại, công ty Deutsche Bahn và giới chủ các dịch vụ công đề nghị tăng lương theo hai bước, bao gồm tăng lương thêm 5% và khoản thanh toán một lần lên tới 2.500 euro.

Cuộc đình công được tiến hành cùng ngày khi các nghiệp đoàn và giới chủ dự kiến tiến hành vòng đàm phán thứ ba về một thỏa thuận tiền lương

Ông Frank Werneke, Chủ tịch tổ chức công đoàn Verdi, đại diện cho khoảng 2,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực công gồm giao thông công cộng và nhân viên sân bay, cho biết: Cuộc đình công này là vấn đề sống còn đối với hàng triệu công nhân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Trong khi đó, Chủ tịch EVG Martin Burkert cho biết các chủ lao động vẫn chưa đưa ra đề xuất khả thi, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ có thêm các cuộc đình công trong thời gian tới, trong đó có thể vào lễ Phục Sinh sắp tới.

Giá tiêu dùng tại Đức đã tăng hơn mức dự báo trong tháng Hai vừa qua, với mức tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong bối cảnh áp lực chi phí vẫn không được cải thiện ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng một loạt đợt tăng lãi suất./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày