Tính tiết kiệm quá mức của người Đức đang khiến cả thế giới phải trả giá

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đúng, việc người Đức quá tiết kiệm và chi tiêu quá ít đang khiến phần còn lại của thế giới phải chịu thiệt thòi.

 

Khi những cường quốc lớn nhất của thế giới tụ họp tại Hamburg để tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 trong tuần này, thế giới đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một cuộc đối đầu giữa nước Mỹ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và nước Đức ủng hộ thương mại tự do. 

Thế nhưng thương mại tự do vốn chỉ mang lại cái lợi cho nước lớn không hẳn đã tốt, theo quan điểm được Economist đưa ra trong bài viết mới được đăng tải.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và còn đang tính sẽ tiếp tục rút ra khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Ông đang cân nhắc sẽ áp thuế lên mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ, động thái này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của chính phủ nhiều nước trên thế giới. Chắc chắn họ sẽ tính cách trả đũa nước Mỹ.

Suốt từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào tháng Một, người ta đã thường xuyên lo lắng về rủi ro của chiến tranh thương mại do chính sách ưu tiên số một cho nước Mỹ của ông Trump.

Cùng lúc đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do. Mới chỉ cuối tháng Sáu, bà đã có bài phát biểu rất hùng hồn chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và cô lập. 

Khi mà châu Âu và Nhật đang tiến sát đến việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do lịch sử, quan điểm ủng hộ tự do thương mại của bà Merkel được thể hiện ngày một mạnh mẽ hơn. 

Không cần phải bàn cãi, thế giới cũng đủ hiểu điều gì là tốt cho họ. Quan niệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng thương mại luôn phải cân bằng đi ngược lại các lý thuyết kinh tế học đúng đắn. 

barbed wire 946523 640

Ông tin rằng các hàng rào thuế quan hoàn toàn cần thiết để giúp sân chơi thương mại thế giới trở nên công bằng hơn, ngược lại, khi ngày một nhiều loại thuế được áp dụng, tất cả các nước trên thế giới sẽ chỉ chịu thiệt. 

Thế nhưng không phải Tổng thống Trump sai hoàn toàn.

Ông lớn tiếng chỉ trích thặng dư thương mại quá cao của Đức hiện ở mức 300 tỷ USD, sau đó đến Trung Quốc với 200 tỷ USD. Ông đã bàn đến giải pháp cho vấn đề này, ông đe dọa sẽ ngừng nhập khẩu xe ô tô Đức. 

Ông Trump nói đúng, việc người Đức quá tiết kiệm và chi tiêu quá ít đang khiến phần còn lại của thế giới phải chịu thiệt thòi.

Và cùng lúc đó, sẽ thật nực cười khi người Đức chỉ muốn xuất hàng ra thế giới càng nhiều càng tốt mà không muốn tiêu thụ hàng của thế giới. 

Đã nhiều năm qua, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình Đức đứng ở mức ổn định.

Tỷ lệ tiết kiệm của doanh nghiệp và chính phủ trong khi đó tăng chóng mặt. Đằng sau thặng dư thương mại cao của Đức chính là một thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp và các nghiệp đoàn lao động về việc giữ lương lao động ở mức thấp để đảm bảo tính cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu. 

Sự đồng thuận đó giúp cho nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu của Đức vượt qua thời kỳ Hậu chiến tranh thế giới đầy khó khăn và nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhỏ khác.

Người ta có quá nhiều lý do để ghen tỵ vói mô hình phát triển kiểu Đức. Sự đồng thuận cao giữa chủ doanh nghiệp và người lao động đã giúp cho kinh tế Đức tăng trưởng vượt trội. 

Các doanh nghiệp có thể thoải mái đầu tư mà không phải lo ngại nghiệp đoàn lao động cản trở. Cùng lúc đó, chính phủ đảm bảo tốt vai trò cung cấp nguồn nhân lực tốt khi cấp tiền xây dựng hệ thống đào tạo người lao động có tay nghề giỏi. 

Tại Mỹ, triển vọng việc làm của người lao động không có bằng đại học đã xấu đi rất nhiều trong thập kỷ qua, chính những cử tri khốn cùng này đã góp phần quan trọng giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. 

Tất nhiên nước Đức không hoàn toàn thoát ra khỏi những khó khăn như Mỹ đang gặp phải thế nhưng họ đã tạo ra được một môi trường lao động tốt cho lao động tay nghề, điều mà người Mỹ chỉ có thể mơ ước.

Thế nhưng mô hình phát triển này không phải không có nhược điểm. Kinh tế và thương mại Đức rơi vào tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng.

Mức lương không tăng đồng nghĩa người dân ngại chi tiêu và vì vậy càng không muốn dành tiền mua hàng nhập khẩu.

Tiêu dùng người dân Đức hiện chỉ chiếm 54% GDP trong khi đó tỷ lệ tương đương tại Mỹ và Anh lần lượt là 69% và 65%.

Các công ty xuất khẩu được nhiều hàng hóa cùng lúc đó không đầu tư lợi nhuận mà họ kiếm được vào Đức.

Đức không phải nước duy nhất đang đi theo mô hình tăng trưởng này, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch và Hà Lan cũng đang có thặng dư thương mại quá lớn.

Một nền kinh tế lớn với thị trường việc làm ở trong trạng thái tốt, thất nghiệp thấp và thặng dư tài khoản vãng lai quá 8% GDP hẳn là điều bất thường và chắc chắn nó gây hại không ít lên hệ thống thương mại toàn cầu. 

Khi không xuất được hàng, để tạo ra được lực cầu đủ mạnh giúp tiêu thụ hàng hóa đảm bảo cho người dân nước mình có việc làm, phần còn lại của thế giới phải vay tiền và chi tiêu bù đắp lại.

Kết quả, nhiều nước như Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha chịu thâm hụt liên tiếp dẫn đến khủng hoảng. 

Thất nghiệp tại Đức hiện dưới 4%, tổng số người trong độ tuổi lao động sụt giảm bất chấp nhập cư tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tất cả những yếu tố trên chỉ cho thấy tiêu dùng người dân khó tăng trong thời gian tới. 

Thế nhưng người Đức vẫn vô cùng thận trọng, mức lương người lao động tăng chỉ 2,3% trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với hai năm trước đó.

Nếu không có biện pháp nào thực sự mạnh tay, thặng dư thương mại của Đức sẽ mãi vẫn ở mức cao trong nhiều năm tới và sẽ có những nước khác phải chịu thiệt.

Chính phủ Đức cũng cần phải tăng cường chi tiêu. Nước Đức có quá nhiều hạng mục cần chi tiêu, hạ tầng trường học và đường sá đã cũ kỹ bởi chính phủ hạn chế đầu tư công đã nhiều năm. Là một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới nhưng tốc độ tải dữ liệu chỉ xếp hạng thứ 25, nó cho thấy hạ tầng công nghệ thông tin cũng chưa phát triển tương xứng với trình độ phát triển kinh tế. 

Việc tăng cường các chương trình hỗ trợ cho phụ nữ sẽ giúp có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Trong một nền kinh tế thị trường và thị trường việc làm vốn đã có tỷ lệ rất thấp, nhiều người cho rằng việc bổ sung thêm lao động vào thị trường sẽ không khả thi, thế nhưng giải pháp vô cùng đơn giản: Hãy chi tiêu nhiều hơn.

Người Đức cần nhận ra rằng việc tiết kiệm thái quá không phải lúc nào cũng tốt. B

à Merkel không sai khi ủng hộ thương mại tự do thế nhưng bà và những người chung quan điểm với bà cần hiểu rằng thặng dư của nước Đức quá cao đang phủ nhận đi tính tốt đẹp của tự do thương mại.

TRUNG MẾN-Bizlive


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày