Nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới được xây dựng của Đức đã nhận lô hàng đầu tiên từ Mỹ hôm 3/1, trong bối cảnh Berlin đang gấp rút củng cố nguồn cung kể từ khi kết thúc mối quan hệ năng lượng kéo dài hàng thập kỷ với Moscow.
Điều này cũng chứng tỏ nỗ lực của Đức trong việc “cai nghiện” khí đốt Nga đã phát huy tác dụng.
Tàu chở hàng lỏng Maria Energy đã cập cảng Wilhelmshaven ở Biển Bắc, một cơ sở được xây dựng với tốc độ “chóng mặt” để giúp Đức ngăn chặn tình trạng thiếu năng lượng.
Các kho cảng LNG thường có thể mất nhiều năm để xây dựng, nhưng Đức đã có thể hoàn thành Wilhelmshaven trong vòng vài tháng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi giữa tháng 12/2022 đã khai trương nhà ga, có thể xử lý khoảng 5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, tương đương gần 6% mức tiêu thụ hàng năm của Đức vào năm 2021.
Trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Đức phụ thuộc vào Nga để đáp ứng hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu. Nhưng dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm dần theo diễn biến xung đột và bị gián đoạn kể từ khi các sự cố xảy ra tại đường ống Nord Stream 1 chạy dưới Biển Baltic.
(Từ trái sang) Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, đứng trước tàu Hoegh Esperanza trong lễ khai trương Dự án LNG của Uniper tại Jade Bight, Wilhelmshaven, miền Bắc nước Đức, ngày 17/12/2022. Ảnh: Getty Images
Với việc ngành công nghiệp và các hộ gia đình phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu này, Đức đã phải vật lộn để giành được khí đốt từ các nhà xuất khẩu khác và xây dựng các cơ sở cần thiết để nhập khẩu LNG.
Đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt và phải phân bổ nguồn cung, nền kinh tế đầu tàu châu Âu cũng đã phải tạm thời kích hoạt lại các nhà máy điện cũ kỹ chạy bằng than và dầu, đồng thời kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng cho đến giữa tháng 4.
“Việc sử dụng LNG như một nguồn năng lượng đáng tin cậy là rất quan trọng đối với an ninh nguồn cung của Đức và châu Âu”, ông Niek den Hollander, giám đốc thương mại của Uniper SE – nhà điều hành nhà ga Wilhelmshaven, cho biết.
Nhà cung cấp khí đốt của Mỹ, Venture Global Calcasieu Pass LLC, một công ty con của Venture Global LNG, cũng đang nhanh chóng mở rộng các cơ sở của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu.
Năm ngoái, Venture Global LNG đã bảo đảm được khoản tài chính trị giá 13,2 tỷ USD và nhận được sự phê duyệt cuối cùng cho một dự án gần New Orleans – nhà máy LNG mới đầu tiên được bật đèn xanh ở Mỹ sau 3 năm.
Tàu Maria Energy đã được chất hàng vào ngày 19/12/2023 ở Calcasieu Pass, La., tại một cơ sở mà Venture Global đưa vào hoạt động vào giữa năm ngoái. Con tàu này mang theo khoảng 170.000 m3 LNG, đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 50.000 hộ gia đình Đức trong một năm, theo Uniper.
Các nhà vận động môi trường cho biết, họ đã dự định phản đối sự xuất hiện của tàu Maria Energy tại cảng Đức, lập luận rằng Berlin không nên nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt thu được từ quá trình thủy lực cắt phá (fracking).
Tàu Maria Energy chở đầy LNG đang neo đậu tại bến nổi ở cảng Wilhelmshaven, Đức, ngày 3/1/2023. Ảnh: ABC News
Dự trữ tại các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã tăng trên 90% vào đầu năm khi phần lớn Trung Âu trải qua nhiệt độ ấm áp bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm giảm.
Thách thức đối với Đức và rộng hơn là đối với châu Âu, là làm thế nào để thay thế khí đốt Nga trong năm nay, do như thường lệ trong nửa đầu năm ngoái, Moscow vẫn là nhà cung cấp hầu hết lượng khí đốt giúp làm đầy các bể chứa trên khắp “lục địa già”.
Theo AP, WSJ
© 2024 | Thời báo ĐỨC