Tiết lộ lí do Đức cấm trẻ em viết thư ‘đòi quà’ ông già Noel trong dịp Giáng sinh 2018

Một thị trấn Đức đã bỏ một trong những truyền thống, tập tục lâu đời trong dịp lễ Giáng sinh – cấm trẻ em treo thư “đòi quà” ông già Noel lên cây thông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do bộ luật về sự riêng tư mới ban hành của EU.

132 1 Tiet Lo Li Do Duc Cam Tre Em Viet Thu Doi Qua Ong Gia Noel Trong Dip Giang Sinh 2018

Nhiều đứa trẻ tại Đức sẽ không được “đòi quà” ông già Noel trong dịp Giáng sinh năm nay.

Cụ thể, trẻ em ở thị trấn Roth, Bavaria đã vô cùng thất vọng và buồn bã khi biết được sự việc rằng mình không thể “gửi thư” cho ông già Noel bằng cách treo thư lên cây thông.

Giới chức địa phương cho biết, dù không muốn nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Hoặc là tuân thủ theo đúng yêu cầu, hoặc trẻ em cứ thực hiện mong muốn của mình và cha mẹ chúng phải đóng một khoản phạt khá lớn.

Sở dĩ phải cẩm như vậy vì trong dịp Giáng sinh, trẻ em sẽ viết toàn bộ thông tin cán nhân liên quan đến chúng và gia đình gồm tên, tuổi và địa chỉ của chúng để ông già Noel đến trao quà.

Tuy nhiên, theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR), chính quyền địa phương phải được sự cho phép bằng văn bản của cha mẹ của những đứa trẻ để làm rõ dữ liệu của chúng có thể được chia sẻ với bên thứ ba.

Melanie Hanker, người quản lí các sự kiện ở Roth buồn rầu khi nói về việc cấm không cho trẻ em “đòi quà” ông già Noel: “Sẽ không có bất kì đôi mắt lấp lánh, háo hức nào trước cây thông Noel nữa…”

Tuy nhiên, đài phát thanh địa phương Antenna Bayern cho biết, họ đã làm việc với các luật sư để vừa nhằm đảm bảo tuân thủ luật GDPR đồng thời cũng nhằm cứu vãn những hoạt động truyền thống này.

Một phát ngôn viên của Uỷ ban châu Âu cho biết: “Ông già Noel nên có thông tin liên lạc của những gia đình để gửi quà đúng nơi đúng chỗ – miễn là có sự đồng ý của phụ huynh.”

Lễ giáng sinh là ngày gì?

Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas nhằm kỉ niệm ngày Chúa Jesus sinh ra đời.

Theo phần lớn các tín hữu Kitô giáo, Chúa Jesus được sinh tại Bethlehem thuộc xứ Judea (nay là một thành phố của Palestine).

Ngày lễ giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25/12 hàng năm nhưng thường được mừng từ tối 24/12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.

Lễ ngày 25/12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 thường gọi là “lễ vọng”.

Nhiều giáo hội Chính thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7/1 theo lịch Gregorius.

Tại sao phải tặng quà trong ngày Noel?

Khi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem, ba nhà thông thái (hay nhà chiêm tinh, theo truyền thống cũng là ba vị vua) từ phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình.

Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng có ý nói Chúa Jesus là vua, nhũ hương để tuyên xưng Jesus là Thiên Chúa và mộc dược tiên báo cuộc khổ nạn của Chúa Jesus để cứu chuộc nhân loại.

Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Chúa Jesus hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.

Chính vì thế, các món quà đều mang một ý nghĩa nào đó trong dịp Giáng sinh.

Theo truyền thuyết xưa, Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít tất (vớ).

Ngoài ra, ngày nay ở Việt Nam thì Giáng sinh cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội gửi cho nhau những món quà, những bó hoa tươi và lời chúc tốt đẹp đến người thân và bạn bè.

 

Luật GDPR là gì?

Luật GDPR được ban hành là để bảo vệ thông tin riêng tư của người dùng khỏi hành vi sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép của các công ty hoạt động trong khối Liên minh Châu Âu (EU).

Điều luật này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25/5/2018. Về phía người dùng, điều luật GDPR không chỉ bảo vệ quyền lợi của cư dân Châu Âu nói riêng mà còn áp dụng cho bất kì người nào có sử dụng dịch vụ do một công ty đặt tại Châu Âu cung cấp.

Đối với các công ty nằm ngoài Châu Âu nhưng có cung cấp dịch vụ cho cư dân Châu Âu thì vẫn phải chấp hành theo điều luật GDPR.

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày