Tiên đoán chặng đường chông gai để Đức thoát khí đốt Nga

Đức đang có kế hoạch bắt đầu nhập khẩu LNG để đáp ứng nhu cầu của mùa đông và đã ký các hợp đồng cung cấp và cũng đang tìm kiếm các hợp đồng cung cấp LNG bổ sung với nhà xuất khẩu Mỹ Venture Global LNG.

Việc Đức đặt mục tiêu cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, cơ quan xếp hạng quốc tế Moody nhận định. 

1 Tien Doan Chang Duong Chong Gai De Duc Thoat Khi Dot Nga

Đức đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga xuống 10% vào năm 2024. Ảnh: Kamil Kodlubaj

Moody cho hay, mục tiêu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga xuống 10% vào năm 2024 của Đức sẽ rất khó khăn.

“Trong khi Đức đã giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Nga từ 60% năm 2020 xuống còn 35% vào giữa tháng 4, thì việc đạt được mục tiêu 10%, nghĩa là thay thế khoảng 42 tỉ mét khối khí đốt, sẽ không dễ dàng" - thông cáo của cơ quan này cho hay. 

Cơ quan xếp hạng quốc tế cũng cảnh báo, việc ngừng khí đốt Nga sẽ làm suy yếu đáng kể các chỉ số tài chính và tăng trưởng ở cả Đức và Italia. Moody cho rằng, các tác động kinh tế tiêu cực sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần của 2 quốc gia Châu Âu. 

Moody cũng lưu ý, nếu Nga không mở lại đường ống khí đốt Nord Stream 1 sau 10 ngày bảo trì kết thúc vào 21.7, giá năng lượng sẽ tăng. Chính phủ Đức, Italia sau đó sẽ phải triển khai một số dạng phân bổ năng lượng. 

Báo cáo chỉ rõ, tình hình tài chính của Italia có thể sẽ tồi tệ hơn nếu bị cắt hàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Italia cũng ở tình thế tốt nhờ đa dạng hóa nguồn cung và có thể thoát khí đốt của Nga vào năm 2025 nhờ có các đường ống dẫn khí đốt với Bắc Phi và các trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Dự trữ khí đốt ở cả Italia và Đức đều đủ cho một tháng mùa đông và không có gì đảm bảo rằng lượng khí dự trữ sẽ chỉ được sử dụng cho tiêu dùng trong nước, Moody lưu ý. 

2 Tien Doan Chang Duong Chong Gai De Duc Thoat Khi Dot Nga

Đức đặt mục tiêu ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga từ ngày 31.12.2022 và than của Nga từ ngày 1.8.2022. Ảnh: AFP

Trong diễn biến khác liên quan tới nỗ lực thoát khí đốt Nga, Bloomberg đưa tin, Đức đang đàm phán với tập đoàn năng lượng Shell và các nhà cung cấp LNG chưa được tiết lộ khác về các hợp đồng cung cấp dài hạn.

Đức đang có kế hoạch bắt đầu nhập khẩu LNG để đáp ứng nhu cầu của mùa đông, theo những nguồn tin nắm rõ diễn biến. 

Chính phủ Đức đã ký các hợp đồng cung cấp và cũng đang tìm kiếm các hợp đồng cung cấp LNG bổ sung với nhà xuất khẩu Mỹ Venture Global LNG.

Tháng trước, Venture Global LNG đồng ý cung cấp LNG cho công ty Đức EnBW Energie Baden-Wuerttemberg trong khi Sempra Infrastructure đã ký thỏa thuận vào tháng 5.2022 để cung cấp LNG cho công ty RWE của Đức.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đức Joerg Kukies cho biết đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà sản xuất khí đốt không được nêu tên về việc mua sắm tiềm năng trong một diễn đàn năng lượng kéo dài 2 ngày ở Sydney, Australia.

Ông nói rằng, Đức dự kiến trở thành cường quốc nhập khẩu LNG trong vòng 12 tháng và đặt mục tiêu ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga từ ngày 31.12.2022 và than của Nga từ ngày 1.8.2022.

Đức cũng đang tìm cách đẩy nhanh kế hoạch xây dựng 4 trạm nhập khẩu LNG mới, đáp ứng khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm.

Trong thông báo riêng, Deutsche ReGas của Đức đã ký một thỏa thuận với TotalEnergies về việc xây dựng một cơ sở FSRU trên bờ biển Baltic của Đức.

Trạm LNG nổi, thuộc sở hữu của TotalEnergies, sẽ đặt tại Lubmin - điểm đích của các đường ống Nord Stream từ Nga.

Nguồn: Báo Lao động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày