Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 26/1 đã lên tiếng kêu gọi nhanh chóng kết thúc các vòng đàm phán nhành thành lập chính phủ liên minh, trong cuộc chay đua với thời gian nhằm tránh việc quyền lực của bà đang giảm dần cả ở trong và ngoài nước.
Thủ tướng Merkel (phải) trước một cuộc đàm phán với lãnh đạo SPD Martin Schultz. (Nguồn: AP).
Trong lúc tới tham dự các vòng đàm phán cuối cùng với các đối tác đến từ đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bà Merkel nói rằng,nước Đức và châu Âu sẽ không thể đợi lâu hơn nữa. "Chúng tôi nghĩ rằng nhiều người đang mong đợi chúng tôi nhanh chóng thành lập một chính phủ và đó là lý do tôi tham gia các cuộc đàm phán này một với tư tưởng tích cực. Đây là một khởi đầu mới cho cả Đức và châu Âu", bà Merkel nói.
Trong thời điểm cuối tuần trước, đảng SPD đã có cuộc bỏ phiếu nhằm khởi động các vòng đàm phán thành lập liên minh chính thức với liên minh CDU/CSU của bà Merkel. Tuy nhiên, kết quả các các vòng đàm phán giữa SPD và CDU/CSU vẫn chưa được đảm bảo sẽ cho ra kết quả đáng mừng.
Bị choáng váng bởi thất bại ê chề trong kỳ bầu cử hồi tháng 9 năm ngoái, SPD hiện tỏ ra hết sức cân nhắc về việc tham gia liên minh một lần nữa với CDU. Nhánh trẻ của đảng SPD hiện nay đang ra sức vận động các thành viên bác bỏ bất kỳ thỏa thuận thành lập liên minh nào với đảng CDU.
Phía chiến dịch của bà Merkel muốn hoàn tất các vòng đàm phán này vào khoảng giữa tháng 2 tới đây, cho phép SPD thêm vài tuần để tổ chức cuộc bỏ phiếu quan trọng trong nội bộ đảng này. Nếu diễn ra suôn sẻ, một chính phủ liên minh có thể đi vào hoạt động vào cuối tháng 3.
Điều dễ thấy hiện nay là sự chậm trễ trong thành lập chính phủ liên minh đã ảnh hưởng tới tầm ảnh hưởng của bà Merkel cả trong và ngoài nước. Ở Đức, nhiều người đã bàn về thời kỳ suy giảm quyền lực của Thủ tướng Merkel, dù cho chưa xuất hiện một đối thủ nào xứng tầm với bà.
Quyền lực suy giảm
Trên trường quốc tế, sự chú ý ngày càng nghiêng về phía nước Pháp và vị lãnh đạo trẻ tuổi Emmanuel Macron, người đang ngày càng được tung hô là sắp trở thành một người dẫn dắt toàn châu Âu.
Điều này thể hiện cực kỳ rõ nét trong kỳ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ) trong tuần này, khi mà giới phân tích nhận định rằng Tổng thống Macron đang thu hút sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt hơn nhiều so với bà Merkel.
"Vị trí của bà Merkel có thể bị suy yếu hơn trên trường quốc tế - ít nhất đó là một ấn tượng vừa xuất hiện ở Davos" - tờ Spiegel nhận định, thêm rằng trong khi đó "ông Macron đang ngày càng tiến gần hơn tới vị trí lãnh đạo của châu lục".
Trên thực tế, Thủ tướng Merkel đã đến với hội nghị thượng đỉnh Davos lần này trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Đức đang gây cản trở đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu này. Bà nói rằng bà cảm thấy ấn tượng bởi "những điều đã thay đổi trong vòng 4 tháng qua, về cách mà thế giới phát triển nhanh chóng và rằng một quốc gia muốn đóng góp cho toàn cầu hóa cần phải hoạt động 24 giờ mỗi ngày".
Chỉ cách đây vài tháng, bà Merkel dường như vẫn đang ở trên đỉnh cao quyền lực, khi mà nhiều nhà bình luận thậm chí coi bà là "lãnh đạo của thế giới tự do" sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Nhiều thách thức
Trong bối cảnh diễn đàn Davos đang gây chú ý với bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo đảng SPD Martin Schultz nói rằng "trong bối cảnh thách thức đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta cần có một nước Đức có tư tưởng ủng hộ châu Âu mạnh mẽ".
Nhưng thực tế là, chỉ ngay việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với bà Merkel cũng đã khiến cho vị trí của ông Schultz bị ảnh hưởng bởi trước đây ông từng tuyên bố rằng sẽ đưa đảng SPD vào vị trí đảng đối lập.
Để nhận được sự ủng hộ cần thiết ngay trong đảng của mình, ông Schultz cùng giới lãnh đạo SPD sẽ phải thỏa thuận với các thành viên có tư tưởng bảo thủ.
Trong trường hợp đảng SPD và liên minh CDU/CSU không thể đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, cả ông Schultz và bà Merkel đều phải đối mặt với rủi ro lớn khi buộc phải tổ chức thêm một cuộc bầu cử mới.
Các lá phiếu thăm dò công bố trong tuần này cho thấy sự ủng hộ của người Đức dành cho SPD đang giảm tới mức thấp kỷ lục - 18%, trong khi liên minh CDU/CSU của bà Merkel hiện đang giữ mức 31,5%.
Khánh Duy
© 2024 | Thời báo ĐỨC