Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Xinhua
Nhà lãnh đạo Đức nói với tờ TAZ rằng, ông sẽ chỉ nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin nếu Nga “từ bỏ” chiến dịch quân sự.
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.2022 với lý do bảo vệ người dân Donbass, xóa bỏ hệ tư tưởng Đức Quốc xã ở Ukraina và ngăn Ukraina gia nhập NATO.
Ngày 13.4, Thủ tướng Scholz nhắc lại cam kết của mình là “hỗ trợ Ukraina chừng nào còn cần”. Khi được hỏi khi nào ông nghĩ xung đột có thể kết thúc, Thủ tướng Đức cho hay: “Không ai có thể trả lời câu hỏi này”.
Khi bị hỏi thêm về việc liệu phương Tây có nên “thúc đẩy mạnh mẽ hơn các cuộc đàm phán và thỏa hiệp” hay không, ông Scholz trả lời bằng cách nói rằng, “Nga không được thắng trong cuộc chiến này”. Khi được TAZ hỏi lần cuối cùng nói chuyện với Tổng thống Putin là khi nào, ông Scholz cho biết đó là vào tháng 12.2022.
Phóng viên TAZ lưu ý, “nhiều người, đặc biệt là ở miền đông nước Đức” muốn thấy một thỏa thuận với Nga và hỏi tại sao Thủ tướng Scholz không thử nói chuyện với Tổng thống Nga kể từ cuối năm 2022.
“Những cuộc trò chuyện như vậy rất hữu ích khi bạn cảm thấy mình có thể tạo ra sự khác biệt. Tôi sẽ làm như vậy vào một thời điểm thích hợp” - ông Scholz trả lời.
Khi được yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết về khung thời gian tiềm năng cho các cuộc đàm phán, Thủ tướng Đức nhấn mạnh, mọi cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi “Nga nhận ra rằng sẽ không có hòa bình bị áp đặt” và “ông Putin hiểu rằng, ông ấy phải từ bỏ chiến dịch quân sự và rút quân”.
Thủ tướng Scholz cũng thừa nhận nhiều người Đức lo ngại về khả năng leo thang và điều này “có thể hiểu được”. Nhưng Berlin vẫn sẽ không từ bỏ sự ủng hộ dành cho Kiev - ông nói và lưu ý rằng, Đức “không thể chấp nhận” Nga chiếm ưu thế trên chiến trường.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tiếp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thăm Đức, tháng 5.2023. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraina
Hồi tháng 3, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với tờ Argumenti i Fakty rằng, Mátxcơva có các khu vực mới cần được bảo vệ trước sự xâm lấn của Kiev và không thể cho phép một quốc gia ở biên giới chiếm Crimea và các vùng lãnh thổ mới sáp nhập Nga - ám chỉ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk cũng như các khu vực Zaporizhzhia và Kherson.
Theo RT, Nga chưa bao giờ tuyên bố có kế hoạch chiếm toàn bộ Ukraina, mà chỉ muốn đảm bảo quân đội Ukraina không thể gây ra mối đe dọa cho công dân hoặc lãnh thổ Nga. Các quan chức Nga cũng nhiều lần bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình bất cứ lúc nào miễn đối phương chấp nhận thực tế trên thực địa.
Kiev nhiều lần khẳng định sẽ chỉ đàm phán với Mátxcơva sau khi Nga rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraina tuyên bố là của mình. Điện Kremlin coi những yêu cầu đó là vô lý.
Nguồn: Báo Lao động
© 2024 | Thời báo ĐỨC