Foto: Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: THX/TTXVN)
Phát biểu tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng rằng thỏa thuận liên minh mà chúng ta vừa nhất trí có thể hình thành nên nền tảng cho một chính phủ ổn định và xuất sắc mà đất nước chúng ta đang rất cần lúc này cũng như nhiều nước khác kỳ vọng.
Trước đó cùng ngày, sau hơn 24 giờ đàm phán. CDU/CSU và SPD đã đạt được thỏa thuận liên minh để thành lập chính phủ mới, chấm dứt bế tắc trên chính trước Đức kéo dài hơn 4 tháng qua. Một chính phủ mới sẽ được hình thành và một nhiệm kỳ lần thứ 4 liên tiếp dành cho Thủ tướng đương nhiệm Merkel.
Truyền thông sở tại cho biết các bên đã được thỏa thuận về các vấn đề trước đó còn tranh cãi, gồm luật lao động, y tế, tài chính. Một trong những trở ngại chính cuối cùng là việc phân chia các bộ, ngành quan trọng và các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ - vốn luôn là vấn đề gai góc và thường là một trong những nội dung cuối cùng được xác nhận - cũng đã được giải quyết.
Cụ thể, bản thỏa thuận nêu rõ bà Merkel, đại diện cho liên đảng CDU/CSU, sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp của mình, trong khi vị trí Phó Thủ tướng sẽ do SPD phụ trách. Ngoài ra, liên đảng CDU/CSU cũng sẽ đảm nhận vị trí lãnh đạo trong một số bộ ngành chủ chốt trong nội các mới. CDU sẽ tiếp nhận lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế và Năng lượng, Bộ Giáo dục và nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp, Bộ Văn hóa và truyền thông cũng như Bộ Phụ trách vấn đề người nhập cư. Trong khi đó, vị trí lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Bộ Phát triển và hợp tác kinh tế sẽ do CSU, đảng chị em với đảng CDU của Thủ tướng Merkel, đảm trách. Ngoài ra, vị trí Chánh văn phòng Thủ tướng Đức cũng thuộc về liên đảng CDU/CSU.
Về phần mình, đảng trung tả SPD sẽ đứng đầu các bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Lao động và xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Gia đình và Bộ Môi trường, bảo vệ thiên nhiên và an toàn hạt nhân. Theo các nguồn tin báo chí và truyền thông Đức đưa ra cùng ngày 7/2, ông Martin Schulz nhiều khả năng sẽ từ chức lãnh đạo đảng SPD để tiếp nhận cương vị Ngoại trưởng Đức trong Chính phủ mới của Thủ tướng Merkel.
Trong khi đó, cùng với vị trí hiện nay là người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng SPD trong Quốc hội Liên bang, bà Andrea Nahles cũng đã sẵn sàng tiếp quản vị trí Chủ tịch SPD từ ông Schulz. Nhiều nguồn tin cũng cho biết bà Ursula von der Leyen vẫn sẽ tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Đức, trong khi quyền Bộ trưởng Tài chính Peter Altmaier sẽ nắm giữ chức Bộ trưởng Kinh tế.
Theo đánh giá của giới quan sát, việc SPD được trao quyền phụ trách ba bộ quan trọng Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động và ông Martin Schulz trở thành tân Ngoại trưởng là thắng lợi lớn đối với SPD và bản thân ông Schulz. Ở chiều ngược lại, đây có thể coi là sự nhượng bộ rất lớn từ phía CDU và bà Merkel.
Kết quả này cũng phản ánh những phát biểu của Thủ tướng Merkel khi trước đó ngày 6/2, bà đã nói rằng" "Mỗi người trong chúng ta sẽ có lúc phải đưa ra những thỏa hiệp đau đớn và tôi đã sẵn sàng cho điều đó." Theo bà Merkel, các cuộc đàm phán thành lập chính phủ kéo dài đã ảnh hưởng tới thị trường và tâm lý các nhà đầu tư, do đó việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận chính là điều cần thiết nhất trong lúc này. Bà cũng nhận thức rõ được hậu quả của viễn cảnh hai bên không thể đạt được một thỏa thuận chung. Khi đó, những khát vọng hoàn thành nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp của bà sẽ bị hủy hoại.
Tuy nhiên, thỏa thuận liên minh cuối cùng phải được hơn 440.000 đảng viên của SPD trên toàn quốc thông qua. Hiện tại, một số nhóm trong SPD đã lên tiến phản đối mạnh mẽ việc tái lập chính phủ đại liên minh với CDU/CSU như nhiệm kỳ vừa qua. Mặc dù vậy, triển vọng tăng chi tiêu của chính phủ, trong đó có nguồn đầu tư cho các dự án giáo dục và kỹ thuật số hóa, có thể làm dịu quan điểm của một số đảng viên cánh tả trong SPD./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC