“Chúng tôi đang ở trong một tình thế rất nghiêm trọng bởi vì vấn đề khủng hoảng nhập cư có nguy cơ tiến triển thành vấn đề quyền lực”, Nghị sĩ Đức Kai Whittaker trả lời phỏng vấn BBC ngày 16/6.
Ông Whittaker cho biết thêm: “Có thể vào cuối tuần tới tình hình sẽ thay đổi… Có thể là một Thủ tướng mới”.
Khủng hoảng nhập cư bắt đầu từ chính sách “mở cửa” của bà Merkel vào năm 2015 để hỗ trợ dân tị nạn Syria. Tuy nhiên, nó đã mở đầu cho làn sóng 1,6 triệu người nhập cư vào Đức và các nước láng giềng khác từ châu Phi, châu Á và Trung Đông, dẫn tới một loạt vấn đề về nhà ở, việc làm, tội phạm…
Chính sách mở cửa của bà Merkel vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, người đứng đầu đảng Liên minh Xã hội Kito giáo (CSU).
Ngày 11/6, ông Seehofer đã đưa ra kế hoạch yêu cầu lực lượng bảo vệ biên giới Đức không cho người nhập cư đã đăng ký ở các quốc gia châu Âu khác nhập cảnh vào nước này.
Bà Merkel phản đối với lý do nó vi phạm Hiệp ước Schengen, cho phép quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên, công dân nước ngoài chỉ cần có visa là được phép đi lại trong toàn khu vực Schengen.
“Đây là thách thức mà cả châu Âu phải đối mặt, do đó, cũng cần một giải pháp trên toàn châu Âu. Tôi cho rằng vấn đề này có tính quyết định trong việc gắn kết châu Âu thành một khối”, bà Merkel phát biểu ngày 17/6.
Bà cũng đang có kế hoạch đàm phán để đạt được thỏa thuận về chính sách nhập cư trong cuộc họp Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 6. Theo đó, các nước thành viên EU cam kết tiếp nhận và chăm sóc một lượng người di cư nhất định khi họ tới các quốc gia này.
Tuy nhiên, đảng CSU có quan điểm cứng rắn hơn. Lãnh đạo CSU tại bang Bavarian Markus Soder tuần trước đăng trên Twitter: “Chúng ta phải bảo vệ đường biên giới. Việc nhập cư của những người tị nạn phải chấm dứt. Đức không thể chờ đợi châu Âu vô thời hạn, chúng ta phải hành động độc lập”.
Chia rẽ trong nội bộ liên minh cầm quyền giữa đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và đảng CSU về vấn đề nhập cư có thể làm tan rã liên minh khó khăn lắm mới đạt được này. Điều này đồng nghĩa với việc bà Merkel không được đa số nghị sĩ Quốc hội ủng hộ và có thể phải tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia mới.
Theo một khảo sát công bố ngày 14/6, có tới 86% người Đức ủng hộ siết chặt quản lý biên giới với người nhập cư xin tị nạn.
Làn sóng phản đối người nhập cư ở Đức càng tăng cao sau vụ việc một thanh niên nhập cư tị nạn gốc Iraq 20 tuổi cưỡng hiếp và sát hại một bé gái 14 tuổi ngày 22/5. Tên này sau đó đã trốn về Iraq nhằm thoát khỏi truy tố.
Theo: VNEXPRESS
© 2024 | Thời báo ĐỨC