Thủ tướng Đức coi Nga là đối tác quan trọng trong G20

Trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi ngày 2/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi Nga là đối tác quan trọng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh:

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ thảo luận tình hình trong G20, nơi Nga là một đối tác quan trọng". Đức đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20. Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Hamburg (Hăm-buốc), Đức vào đầu tháng 7 tới.

Thủ tướng Đức coi Nga là đối tác quan trọng trong G20 - 0

Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Thủ tướng Đức Angela Merkel kể từ năm 2015, theo AFP.

Về phần mình, Tổng thống Putin đã chào đón nồng nhiệt đoàn đại biểu Đức tại thành phố Sochi. Ông cho biết sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức các vấn đề quan trọng nhất như Ukraine và Syria và có thể cả các vấn đề khu vực khác.

Theo kế hoạch, Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận cuộc chiến chống khủng bố, tình hình Trung Đông và việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra, chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Nga lần này còn để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra ở Hamburg (Đức) vào đầu tháng 7 tới. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức cũng sẽ trao đổi cụ thể về tình hình hiện nay, cũng như triển vọng quan hệ song phương, trong đó có thể đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế-thương mại và văn hóa-xã hội.

Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Putin tình hình Ukraine, cuộc nội chiến Syria và tình hình chính trị tại Libya. Tuy nhiên, Berlin cho rằng sẽ không đạt được đột phá lớn nào có thể khắc phục được những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên.

Đây được xem là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel đến Nga kể từ năm 2015, dấu hiệu cho thấy đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức được nối lại sau những căng thẳng kéo dài 2 năm qua liên quan đến vấn đề Ukraine. Đức đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Nga với cáo buộc Moskva có liên quan đến cuộc nội chiến tại quốc gia láng giềng Ukraine và kể từ sau khi bán đảo Crimea (Crưm) sáp nhập trở lại vào Nga hồi năm 2014. Về phần mình, Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình và đáp trả bằng một lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ phương Tây.

TTXVN/Tin Tức


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày