Thủ tướng Đức Angela Merkel: Cả châu Âu vẫn đang trông đợi

Cuộc thăm dò dư luận trong những ngày đầu năm 2018 cho thấy chỉ 45% người dân Đức cảm thấy hài lòng nếu một chính phủ liên minh lớn giữa đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) được hình thành.

Thủ tướng Đức Angela Merkel: Cả châu Âu vẫn đang trông đợi - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đã có những “bản cáo phó chính trị” đối với Thủ tướng Angela Merkel được đưa ra sau khi bà thất bại trong việc đàm phán thành lập chính phủ liên minh, khiến nhiều người một lần nữa tin vào “lời nguyền 10 năm”: 

Nếu Margaret Thatcher, Tony Blair, Felipe Gonzalez và Charles de Gaulle - tất cả đều tạm biệt chính trường sau một thập niên nắm quyền, thì không ít người cho rằng nữ lãnh đạo 63 tuổi nước Đức cũng lâm vào cảnh chẳng khác gì thế, thậm chí còn tồi tệ hơn, dù nữ Thủ tướng Đức vẫn rất được người dân tín nhiệm.

EU đang rất cần kiện toàn. Gia đình châu Âu đang lục đục khi nước Anh muốn thay đổi chính mình và tìm con đường đi riêng trong thế giới toàn cầu hóa. Cuộc chia ly này vẫn cần phải được đàm phán và riêng điều đó là một nhiệm vụ gian nan. 

Trong bối cảnh “lục địa già” rối ren như hiện nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel - “người bảo vệ hùng mạnh cuối cùng của châu Âu” như lời tờ New York Times từng bình chọn - đang gánh trên vai bổn phận và trách nhiệm rất lớn, vẫn là một trụ cột mà cả EU đang trông đợi...

Vị thế lung lay

Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24-9-2017, nước Đức rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị khi chưa thể thành lập chính phủ. Đây có thể nói là thời khắc khó khăn kéo dài nhất đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu kể từ năm 1949. 

Sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vừa qua, SPD đã tính đến giải pháp cải tổ sâu rộng, rời bỏ chính phủ đại liên minh để trở thành đảng đối lập. Tuy nhiên, SPD phải chịu sức ép quay trở lại đàm phán với bà Merkel sau khi liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo và Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) thất bại trong việc đàm phán thành lập chính phủ với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Đức.

Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận công bố ngày 27-12, 47% số người được hỏi muốn bà Merkel từ chức trước năm 2021 - thời điểm nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp của bà kết thúc. 

Kết quả cuộc khảo sát lần này cho thấy sự ủng hộ của người dân Đức đối với Thủ tướng Angela Merkel đang giảm dần, đặc biệt trong bối cảnh bà và liên đảng bảo thủ CDU/CSU đang nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán tái lập “đại liên minh” với đảng Dân chủ Xã hội nhằm chấm dứt bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra, “bà đầm thép” Angela Merkel vẫn được người dân Đức tin tưởng và cho rằng chính bà là dấu hiệu cho thấy sự ổn định của nước Đức. Điều này cho thấy một sự thật là người dân Đức muốn có một chính phủ ổn định hơn là một lãnh đạo có những cải cách vĩ đại, hay một chiến lược gia có tầm nhìn xa trông rộng. 

Người Đức thực sự rất sợ rơi vào cảnh hỗn loạn. Dù vậy, có tới 75% cho rằng đảng CDU cần phải có một sự đổi mới bởi vì người Đức không muốn chính phủ hoạt động một cách kém hiệu quả, phải luôn tìm cách vận động các nghị sĩ đối lập mỗi khi muốn tạo ra một chính sách mới.

Trong bối cảnh hiện nay, người dân Đức vẫn tiếp tục đặt niềm tin và đi theo phong cách lãnh đạo thận trọng của bà Merkel, mặc dù bất bình với quyết định đón người tị nạn vào năm 2015.

Họ không vội vàng thay thế thứ hiện có bằng chủ nghĩa dân tộc đang trở thành trào lưu trên thế giới. Tuy nhiên, gánh nặng của Đức khi cõng trên vai cả EU, bao gồm cả các vấn đề chung của khối, đang khiến chính quốc gia này mệt mỏi. 

Kéo theo đó là những xung động chính trị tạo thành cái cớ để các phe phái đối lập trỗi dậy. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng sự nghiệp của nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở châu Âu sắp kết thúc.

Giới quan sát cho rằng vị thế của bà Merkel có khả năng phục hồi trở lại với một chính phủ mới cam kết sẽ hội nhập sâu với châu Âu và tăng cường hợp tác với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sau tất cả, sự lôi cuốn và tài năng của vị Tổng thống Pháp giống như chiếc phao cứu trợ tốt nhất lúc này của Thủ tướng Đức. 

Giới quan sát nhận định, ông Macron có thể có tầm nhìn chiến lược đa dạng nhưng bà Angela Merkel mới là “thợ sửa chữa” tốt nhất trên thế giới. Việc hợp tác với nhà lãnh đạo Pháp ôn hòa sẽ cung cấp cho “bà đầm thép” một bệ phóng vững chắc trong việc lấy lại quyền lực.

Thủ tướng Merkel từng vui mừng tuyên bố rằng bà đã tìm thấy một đối tác có thể cùng làm việc để lấy lại vị thế của đồng euro, tăng cường quốc phòng châu Âu và cải cách chính sách di dân - tị nạn của EU. Ngay cả trong lúc đang vướng bận với các khó khăn hiện tại, “bà đầm thép” vẫn tận dụng mọi cơ hội để xây dựng một mặt trận thống nhất với ông Macron. 

Hồi giữa tháng 12, Thủ tướng Đức cho biết muốn thiết lập một đề xuất chung với Pháp về cải cách khu vực châu Âu trong thời gian tới. Nhiều ý kiến nhận định, Thủ tướng Đức có thể “thua trên sân nhà”, nhưng châu Âu mới là nơi nhà lãnh đạo 63 tuổi tỏa sáng nhất trong vai trò vực dậy cả thế giới phương Tây - nơi đã và luôn là sân khấu giúp bà trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu.

Quyết không từ bỏ

Bà Angela Merkel có một sức bật mạnh mẽ. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2017, bà đã đánh bại 4 ứng cử viên vào chức thủ tướng thuộc SPD có tên bắt đầu bằng chữ S (Schroder, Steinmeier, Steinbruck, Schulz). Uyên bác về chính sách, bà Merkel liên tục thu hút sự chú ý của phe đối địch. Đảng Dân chủ Xã hội ngày càng trở nên nhỏ bé trước xu hướng dân chủ hóa xã hội của CDU và thậm chí những cử tri cứng rắn của SPD đang bỏ đảng này để đi theo bà Merkel. 

Dù vậy, năm 2018 sẽ là một năm nhiều sóng gió với bà Merkel, tiếp tục thử thách “bà đầm thép” phải nỗ lực và tính toán chiến lược hợp lý nếu muốn duy trì niềm tin của người dân.

Thủ tướng Đức Angela Merkel: Cả châu Âu vẫn đang trông đợi - 1

Người dân Đức tin tưởng và coi “bà đầm thép” Angela Merkel là dấu hiệu ổn định của nước Đức.

Trong bài phát biểu mừng năm mới, bà Merkel đề cập tới mục tiêu “chống lại những thách thức trong tương lai, đồng thời quan tâm đến nhu cầu của tất cả mọi người”. Với bà, mối quan tâm của người dân về sự ổn định của đất nước chính là động lực để bà cố gắng nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, “bà đầm thép” cũng nêu rõ trách nhiệm thành lập một Chính phủ Đức ổn định trong năm mới càng sớm càng tốt. Tuy không bị áp đặt thời hạn theo hiến pháp để thành lập chính phủ liên minh nhưng Thủ tướng Merkel vẫn kêu gọi các cuộc đàm phán nhanh chóng. Thủ tướng Merkel nêu rõ, một chính phủ ổn định là cơ sở tốt nhất để thể hiện vị thế trên trường quốc tế.

Bà đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của “một nước Đức hành động” trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang dâng cao tại nhiều quốc gia châu Âu, nước Mỹ có một vị tổng thống khó lường như ông Donald Trump và Đức phải thể hiện “vai trò trung tâm” trong công cuộc cải cách và thúc đẩy liên minh EU. 

Ngoài ra, bà Merkel cũng đề cập tới việc giữ gìn giá trị châu Âu bên trong và bên ngoài EU, cũng như có các bước đi nhằm đóng góp vào thành công của kinh tế và bảo vệ sự an toàn của công dân châu Âu. “Tương lai của Đức không thể tách rời với tương lai của châu Âu. 27 thành viên của châu Âu cần phải tích cực hơn bất cứ ai khác để duy trì sự thống nhất của cộng đồng”, Thủ tướng Đức nhận định.

Là thủ tướng lâu năm và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Thủ tướng Đức, bà Merkel đã có chỗ đứng trong các sách lịch sử. Điều bà vẫn chưa làm đó là thực hiện được một sự thay đổi chính trị thực sự lớn có thể tạo nên di sản lâu dài của mình. 

Năm 2015, bà Merkel bất ngờ quyết định mở cửa biên giới Đức cho trên 1 triệu người tị nạn. Bà đã sa lầy vào đường lối của mình, một bên là cảm thông và một bên là lên án. Bà đã phản đối việc thắt chặt chính sách nhập cư với viện dẫn Hiến pháp Đức không có điều khoản nào quy định về việc hạn chế quyền nương náu. 

Hiện nay, bà Merkel phải tháo gỡ những vấn đề thách thức phát sinh: hội nhập những người được ở lại và trục xuất những người tị nạn “giả mạo”. Đây là một cuộc chiến lâu dài và không thể mắc sai lầm.

Ở tầm châu lục, EU đang cần kiện toàn. Gia đình châu Âu đang lục đục khi nước Anh muốn thay đổi chính mình và tìm đường đi riêng trong thế giới toàn cầu hóa. Cuộc chia ly này vẫn cần phải được đàm phán và riêng điều đó là một nhiệm vụ gian nan đối với bà Merkel. 

Trong khi đó, các nước phía nam EU cũng đang trỗi dậy vì họ chán ngán với sự khắt khe của người Đức. Bà Merkel được coi là “người giữ chén thánh” của lý tưởng châu Âu, song các nước mắc nợ coi Đức là kẻ mạnh đang hăm dọa tống tiền họ. Mặt khác, những lời kêu gọi các nước thành viên EU rút khỏi khối ngày càng gia tăng. 

Tờ New York Times từng bình chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là “người bảo vệ hùng mạnh cuối cùng của châu Âu”. Trong bối cảnh “lục địa già” rối ren như hiện nay, lời tán dương và sự công nhận này hiện nay trở thành bổn phận, đi kèm với trách nhiệm rất lớn dành cho bà Merkel - người được xem là một trụ cột mà cả EU trông đợi...

Nguồn: Nguyễn Tuyết/ antgct.cand.com


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày