Thành phố Đức ngáng đường nỗ lực mở rộng sản xuất vũ khí cho Ukraine

Châu Âu đang đẩy mạnh sản xuất vũ khí để hỗ trợ Ukraine, nhưng nỗ lực này gặp cản trở từ chính quyền Troisdorf, thành phố gần 80.000 dân ở Đức.

Thị trưởng Troisdorf, thành phố phía tây gần Cologne, vốn không đóng vai trò lớn trong chính trị quốc tế. Tuy nhiên, ông trở thành tâm điểm chú ý khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đầu tháng này chỉ trích và yêu cầu ông giải thích về quyết định cản trở dự án mở rộng sản xuất tại địa phương của một công ty vũ khí lớn.

Ông Pistorius kêu gọi các chính quyền địa phương và khu vực tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ sản xuất vũ khí. "Áp lực rất lớn bởi nguồn cung đạn dược của châu Âu và Đức đang tắc nghẽn", Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói.

1 Thanh Pho Duc Ngang Duong No Luc Mo Rong San Xuat Vu Khi Cho Ukraine

Lính pháo binh Ukraine tham chiến tại mặt trận Zaporizhzhia hồi tháng 8. Ảnh: AFP

Troisdorf đang bất đồng với tập đoàn vũ khí khổng lồ Diehl Defense, bên sản xuất các thiết bị đánh lửa cho tên lửa và rocket. Những linh kiện này được dùng để sản xuất hệ thống phòng không Iris-T. Đức đã chuyển giao ba hệ thống loại này cho Ukraine.

Cơ sở sản xuất ở Troisdorf là mắt xích quan trọng để châu Âu hỗ trợ Ukraine khi Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm đạn dược. EU đã cam kết cung cấp cho Kiev một triệu quả đạn pháo trước tháng 3/2024 nhưng cho tới nay, họ chỉ mới chuyển khoảng 300.000 quả từ kho dự trữ và không còn hàng.

Các nguồn tin cho hay để thực hiện kế hoạch của EU, ngành công nghiệp vũ khí Đức phải sản xuất 300.000-400.000 quả đạn pháo mỗi năm, gấp hơn ba lần sản lượng tại thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Tương lai phát triển của Diehl Defense ở Troisdorf đang gặp nguy cơ sau khi thành phố muốn kiểm soát một phần đất ở khu công nghiệp mà công ty con DynITEC của tập đoàn đang đặt trụ sở.

Tập đoàn muốn mua lại khu đất được công ty vũ khí Dynamit Nobel rao bán để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại lên kế hoạch chuyển đổi địa điểm thành nhà ở và khu văn phòng. Khu đất có quy mô bằng 50 sân bóng đá và nằm ở vị trí tốt gần trung tâm thành phố.

Khoảng 2/3 thành viên hội đồng thành phố, từ Thị trưởng Alexander Biber tới nhà sinh thái học của đảng Xanh và đảng Die Linke, đều từ chối hy sinh một khu vực rộng lớn như thế ở trung tâm thành phố. Họ cho rằng sản xuất chất nổ và thiết bị chiến đấu yêu cầu nhà máy phải được bao bọc bởi khu bảo vệ rộng lớn xung quanh và chúng không thể được xây dựng vì lý do an toàn.

2 Thanh Pho Duc Ngang Duong No Luc Mo Rong San Xuat Vu Khi Cho Ukraine

Xe phóng đạn của tổ hợp IRIS-T SL trưng bày tại Berlin hồi năm 2016. Ảnh: Wikimedia Commons

Marie-Agnes Strack-Zimmermann, chủ tịch ủy ban quốc phòng của hạ viện Đức, chỉ trích Thị trưởng Troisdorf "vô trách nhiệm". "Đây là vấn đề giúp đỡ Ukraine, nhưng trên hết là về an ninh Đức", bà nói.

Thomas Bodenmueller, thành viên ban giám đốc Diehl Defense, nói rằng thành phố đang khiến "khả năng phòng thủ của Đức suy yếu".

Thị trưởng Biber vẫn không thỏa hiệp. Bất chấp các phiên họp hòa giải trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, thành phố vẫn chưa nhượng bộ.

Ngoài Troisdorf, một số địa phương khác của Đức cũng từng ở trong thế đối đầu tương tự. Đầu năm nay, tập đoàn vũ khí Rheinmetall cho hay sẽ không xây dựng nhà máy sản xuất bột đạn mới ở Saxony, miền đông đất nước. Dự án khiến người dân địa phương lo ngại và không chấp nhận, buộc tập đoàn phải chuyển dự án tới một điểm khác ở Bavaria.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày