Ngày 2/11, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết số người xin tị nạn tại nước này vào cuối năm 2016 đã tăng hơn gấp hai lần so với hai năm trước đó, lên 1,6 triệu người với hầu hết là những người đến từ Syria, Afghanistan và Iraq.
Các số liệu thống kê cho thấy con số 1,6 triệu người xin tị nạn tại Đức tính đến cuối năm ngoái đã tăng 113% so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương tỷ lệ 16% công dân nước ngoài sinh sống tại Đức.
Trong số này bao gồm những người nước ngoài tới Đức vì lý do nhân đạo và cả những người vẫn đang trong quá trình xin tị nạn.
Người tị nạn tại Đức. (Nguồn: AP)
Cũng theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, hơn một nửa trong số 1,6 triệu người tị nạn này hiện đã được cấp phép cư trú tại Đức, trong khi khoảng 158.000 người bị từ chối đơn xin tị nạn.
Syria vẫn là nước có số người xin tị nạn tại Đức nhiều nhất với 455.000 người, tiếp theo là Afghanistan với 191.000 người và Iraq là 156.000 người. Các số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng khoảng 64% số người xin tị nạn là nam giới với độ tuổi trung bình là 29,4.
Vấn đề người tị nạn đang là chủ đề quan tâm nhất tại Đức khi nước này trong năm 2015 chứng kiến làn sóng người nhập cư lớn chưa từng có sau quyết định mở cửa biên giới của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Chính sách này của Thủ tướng Merkel đã vấp phải sự chỉ trích của đa số người dân Đức, khiến uy tín của bà giảm mạnh. Điều này đã thể hiện rõ trong kết quả cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khóa 2017-2021 hôm 24/9 vừa qua.
Và cho đến nay, thỏa thuận về chính sách nhập cư vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất của Thủ tướng Merkel trong tiến trình đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới giữa liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà với hai đảng nhỏ gồm đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp và đảng Xanh (cánh tả)./.
(TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Thời báo ĐỨC