Tại hội nghị vừa rồi của bộ trưởng tài chính các nước tham gia khuôn khổ diễn đàn G-20, tổ chức ở Baden-Baden (Đức), Mỹ đã cản trở diễn đàn này khẳng định lại cam kết chung đạt được từ năm ngoái.
Đó là cam kết hậu thuẫn tự do mậu dịch và chống chủ nghĩa bảo hộ trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại song phương cũng như đa phương.
Cả ở mục tiêu bảo vệ khí hậu trái đất, chính quyền mới ở Mỹ cũng buộc G-20 phải chấp nhận bước lùi cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất.
Tương tự như thế trong việc thực hiện những dự định chung về hợp tác để hậu thuẫn các nước châu Phi phát triển kinh tế xã hội và tham gia vào toàn cầu hóa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương tăng cường bảo hộ thương mại - Ảnh REUTERS
Khi còn vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã tuyên cáo những quan điểm mà giờ Mỹ thể hiện và không chịu thỏa hiệp trong G-20.
Ông Trump và cộng sự đã đẩy khuôn khổ diễn đàn lớn này vào tình thế khó xử. G-20 cần Mỹ để bảo tồn và phát huy được vị thế cũng như ảnh hưởng đã gây dựng được. Cho tới trước ông Trump, Mỹ vẫn luôn đồng hành với G-20.
Nhưng chính quyền của ông Trump đang làm nội bộ khuôn khổ diễn đàn này bị rạn nứt và vì rạn nứt mà không còn có thể đi tiên phong, tìm đường mở lối và dẫn dắt các nền kinh tế nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vượt qua khủng hoảng tài chính.
Kết quả hội nghị như thế là điềm không hay cho hội nghị cấp cao tới đây của G-20.
Ông Trump đã nhận lời tới Đức tham dự sự kiện.
Nhưng qua cách thức vừa đón Thủ tướng Đức Angela Merkel thì có thể thấy ông Trump hiện không có chủ ý giúp chính phủ Đức có được hội nghị cấp cao thành công, trừ khi quan điểm của ông được coi là quan điểm chung của G-20.
La Phù - Báo Thanh Niên
© 2024 | Thời báo ĐỨC