Ukraine gần đây đã đề nghị Đức cung cấp 100 xe bọc thép Marder (Ảnh: DPA).
Trả lời phỏng vấn nhật báo Augsburger Allgemeine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 9/4 cho biết: "Với các lô vũ khí (cấp cho Ukraine) trực tiếp từ kho của quân đội Đức, tôi phải nói thật là chúng tôi đã đạt đến giới hạn".
Bà cũng giải thích thêm rằng, quân đội Đức phải duy trì kho dự trữ vũ khí nhất định để đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước cũng như năng lực của liên minh quân sự NATO.
Mặt khác, Bộ trưởng Lambrecht nhấn mạnh: "Điều này không có nghĩa là Đức không thể hỗ trợ thêm cho Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi vạch rõ ra những việc mà ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi có thể làm để cung cấp trực tiếp (cho Ukraine)".
Bà cho biết, giới chức Đức phối hợp với Ukraine đang làm việc với các công ty quốc phòng để chuyển trực tiếp vũ khí cho Kiev. "Chúng tôi liên tục tham vấn Ukraine về vấn đề này", bà Lambrecht nói.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Đức vẫn còn khá do dự về việc hỗ trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine do lo ngại căng thẳng leo thang với Moscow. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã thay đổi lập trường, quyết định cùng với các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí chống tăng, tên lửa đất đối không và một số khí tài khác cho Ukraine.
Đức hiện đối mặt với không ít chỉ trích cho rằng nước này chậm trễ chuyển giao các vũ khí viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz đã bác bỏ cáo buộc.
Ông cho biết, Đức đã gửi cho Ukraine một lượng lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự và sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev trong thời gian tới.
AFP dẫn một nguồn tin quốc hội Đức hôm 23/3 cho biết, nước này sẽ gửi thêm 2.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Đến nay, Ukraine đã nhận ít nhất 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa đất đối không Stinger từ quân đội Đức. Berlin cũng cung cấp khoảng 500 tên lửa đất đối không Strela trong số 2.700 tên lửa cam kết cung cấp cho Ukraine.
Ukraine đang đề nghị Đức cung cấp 100 xe bọc thép Marder do công ty quốc phòng Rheinmetall của nước này chế tạo. Đại diện của Rheinmetall cho hay, họ có thể nhanh chóng hoàn tất việc bảo dưỡng khoảng 20 xe bọc thép loại này để chuyển cho phía Ukraine.
Các đồng minh phương Tây đang ra sức hỗ trợ trang thiết bị quân sự cho Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Các nước này chủ yếu cung cấp các tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng vác vai mà họ tin là có hiệu quả giúp Ukraine cản đà tiến công của lực lượng Nga hơn một tháng qua. Phương Tây cũng bắt đầu vận chuyển xe bọc thép cho Ukraine, song tiếp tục từ chối cung cấp máy bay chiến đấu do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Đức không phải nước đầu tiên thừa nhận đã đạt đến giới hạn cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cũng cho biết kho vũ khí của họ đã cạn kiệt sau khi cung cấp cho Kiev. "Tôi tin rằng chúng tôi đã cạn kiệt hàng trong kho của mình… đến mức chúng tôi khó có thể cung cấp nhiều vũ khí hơn", bà Anand nói.
Theo AFP, DW
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC